Phân biệt hai hình thức tạm giữ và tạm giam

(PLO) -Tạm giữ và tạm giam là những cụm từ thường thấy mọi người nhắc tới. Vậy tôi muốn hỏi, tạm giữ và tạm giam có phải là một hình phạt trong hình sự hay đây chỉ là biện pháp tạm thời áp dụng để phục vụ công tác điều tra? Tạm giữ và tạm giam có điểm gì giống và khác nhau không? (Bạn đọc Nguyễn Lâm, nguyenlamhumg..@gmail.com)

Theo quy định pháp luật hiện hành thì “Tạm giữ và Tạm giam” là hai biện pháp ngăn chặn được quy định tại mục I chương VII Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, điểm khác nhau giữa hai biện pháp này như sau:

Tạm giữ

Đối tượng áp dụng:

Tại Điều 117 Bộ Luật trên quy định: Những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Thẩm quyền ra quyết định:

Tại Điều 110 Bộ luật trên, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ bao gồm: Thủ trưởng, phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập, cấp trung đoàn và tương đương, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Thời hạn áp dụng:

Thời hạn tạm giữ để điều tra không quá 03 ngày. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày. Như vậy thời hạn tạm giữ tối đa không quá 9 ngày trong trường hợp đặc biệt.

Tạm giam:

Đối tượng áp dụng: 

Tại Điều 119 Bộ luật trên, những người bị tạm giam thường là bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng tuy nhiên nhân thân không tốt, đã có tiền án tiền sự hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.

Thẩm quyền ra quyết định:

Tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Thời hạn áp dụng:

Thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo dài hơn so với thời hạn tạm giữ, cụ thể:

- Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng

- Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng

- Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, việc tạm giam có thể được gia hạn và thời gian gia hạn phải tuân thủ theo quy định sau:

-  Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

- Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

-  Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Trên đây là những quy định khác nhau cơ bản giữa tạm giữ và tạm giam. Bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Đọc thêm