Do đó, cùng với đội ngũ giáo viên nói chung thì giáo viên dạy nghề phải là người vừa có tri thức vừa có kỹ năng giỏi, đặc biệt phải có đạo đức nghề nghiệp tốt, bởi họ là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tạo ra những lớp người có ích cho xã hội.
Phân luồng, vẫn xa vời!
Hướng nghiệp có vai trò quan trọng đối với người học, giúp họ xác định một nghề để ổn định cuộc sống trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta đã triển khai việc phân luồng học sinh học nghề đi đúng theo định hướng này chưa, thưa TS?
- Việc phân luồng học sinh sau THCS để đi học nghề đã được nêu ra từ rất lâu và được đưa vào Nghị quyết TW 2 (khóa 8) năm 1996. Cho đến nay đã tròn 20 năm nhưng có thể thấy việc phân luồng học sinh chưa đạt được mục tiêu mà Trung ương đề ra. Từ đó đến nay công tác phân luồng học sinh đi học nghề ở nhiều địa phương trong cả nước chỉ đạt khoảng 8-12%. Tính trung bình toàn quốc chỉ đạt khoảng 15%. Có một điều đặc biệt là càng ở những vùng thuận lợi thì lại càng khó phân luồng. Qua nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng nguyên nhân của việc không phân luồng được có rất nhiều như: tâm lý về bằng cấp, chất lượng đào tạo không đảm bảo, vấn đề hướng nghiệp không tốt... Nhưng một trong những nguyên nhân chính được nhiều người đồng tình vẫn là vấn đề việc làm cho người lao động sau khi đào tạo.
Điều đáng mừng là những năm vừa qua, trước thực tế nhiều cử nhân tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thậm chí cả sau đại học ra trường không tìm được việc làm đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, của xã hội trong việc lựa chọn bằng cấp và việc làm. Điển hình là 2 năm gần đây có khoảng hơn 30% học sinh sau THPT không đăng ký thi đại học và rất nhiều cử nhân khi không xin được việc làm cũng cất bằng để đi học nghề. Trước thực trạng như vậy, thiết nghĩ Nhà nước cùng các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cũng như hướng nghiệp và có những chính sách hỗ trợ việc đi học nghề để người học hiểu được học nghề không phải là con đường cuối cùng, mà học nghề là một bước lựa chọn cho những bước tiếp theo trong cuộc đời. Nếu người nào có năng lực, quyết tâm, có điều kiện thì sau này có thể tiếp tục đi học để nâng cao trình độ phục vụ cho nghề nghiệp của họ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo TS, những bất cập trong phân luồng sẽ dẫn đến hệ quả gì và đâu là giải pháp để phân luồng hiệu quả?
- Những bất cập trong phân luồng có thể thấy ngay. Thứ nhất là gây ra sự lãng phí cho xã hội. Nếu chúng ta phân luồng đúng thời điểm và đúng khả năng của người học thì họ sẽ bước ra thị trường lao động sớm có việc làm ngay chứ không phải mất thời gian học đại học xong không có việc làm lại quay sang học nghề. Thứ hai là phá vỡ cơ cấu nguồn nhân lực vì không phân luồng được, người ta sẽ học theo ý thích, do đó những lĩnh vực có nhu cầu lao động thì không có người, trong khi những lĩnh vực khác học ra lại không có việc làm, gây ra sự thừa thiếu lao động trong xã hội. Và cuối cùng bất cập trong phân luồng sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ hệ thống giáo dục. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề phân luồng học sinh học nghề thì phải tạo ra sức hút nhờ vào chính sách để khuyến khích người dạy, người học và người sử dụng lao động. Và để tạo ra lực đẩy thì phải có những chính sách, biện pháp cứng buộc mọi người phải đi theo định hướng xã hội đáp ứng nhu cầu lao động của cả nền kinh tế.
30% thầy cô dạy nghề chưa… giỏi
Có ý kiến cho rằng cần phải đầu tư nhiều cho các trường trung học nghề để có những trường nghề thật tốt giúp người học ra trường có thể làm việc được thì mới thu hút học sinh, TS nhìn nhận thế nào về điều này?
- Theo tôi, đó chỉ là một phần nhỏ. Thực tế cho thấy, khi chúng ta đầu tư sai thì càng đầu tư càng hỏng. Trong đào tạo nghề không phải cứ cố đầu tư là được. Vấn đề đặt ra là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội, vì vậy phải xác định đúng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ để phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội. Ở từng lĩnh vực, người ta sẽ đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn nhân lực cụ thể và nó sẽ tác động tới việc đào tạo. Khi đó, sẽ xác định mức độ đào tạo từ yêu cầu của nguồn nhân lực như thế nào thì sẽ đầu tư cho các trường đến đó.
Không chỉ là đầu tư cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ giáo viên. Vì cơ sở vật chất tốt mà không có giáo viên giỏi thì sẽ không thể đào tạo ra người lao động giỏi. Chương trình cũng phải đáp ứng yêu cầu của xã hội, từng bước tiếp cận với chương trình tiên tiến trên thế giới, bởi nếu chương trình lạc hậu thì người lao động học ra sẽ không đáp ứng được công việc, không thể cạnh tranh trên thị trường lao động. Tóm lại, trước tiên phải quan tâm đến nhu cầu nguồn nhân lực, sau đó đến giáo viên, chương trình, rồi cuối cùng mới là cơ sở vật chất.
TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Thế còn việc dự báo nhu cầu lao động theo ngành nghề để định hướng xu hướng đào tạo thì sao, thưa TS?
- Có thể nói, cho đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa làm được tốt, công tác dự báo nguồn nhân lực còn nhiều yếu kém. Hàng năm, chúng ta không công bố được ngành nào, địa phương nào cần bao nhiêu nguồn nhân lực, bao nhiêu người sẽ về nghỉ chế độ, sẽ cần phải tuyển mới bao nhiêu; tiêu chuẩn, vị trí việc làm của người lao động như thế nào… Vì chưa dự báo được thì làm sao chúng ta có thể đặt hàng cho các trường đào tạo.
Có thể thấy rõ một thực trạng hiện nay là người lao động ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp rất nhiều, điều đó sẽ tạo ra áp lực với xã hội. Chính vì không dự báo tốt nhu cầu nguồn nhân lực nên cử nhân của chúng ta ra trường thất nghiệp nhiều, trong khi nhiều nơi đang thiếu trầm trọng lao động có trình độ và tay nghề cao. Chúng ta đã có một số trung tâm dự báo nguồn nhân lực nhưng các trung tâm này chưa làm tốt công tác dự báo, đó chính là một điều hết sức bất cập.
Để công tác giáo dục dạy nghề phát triển, cần hướng vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa TS?
- Để công tác giáo dục dạy nghề phát triển, trước tiên chính sách đối với người lao động phải thay đổi. Thứ hai là trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định đường lối phát triển, đề ra các cơ chế chính sách để quản lý và hỗ trợ công tác tác đào tạo. Tiếp nữa là phải có tác động để thị trường hoạt động lành mạnh, có sự tham gia tích cực của các tổ chức cá nhân trong công tác đào tạo.
Như vậy, không thể cào bằng khi đánh giá các cơ sở đào tạo, không thể cào bằng chất lượng những người qua đào tạo, coi tất cả người lao động cứ được đào tạo xong có bằng là như nhau, mà phải có sự phân biệt thông qua chất lượng sản phẩm của các cơ sở đào tạo. Từ đó sẽ đầu tư theo chất lượng đào tạo. Và để đầu tư chính xác cần có một tổ chức kiểm định độc lập để kiểm định đánh giá nhân lực qua đào tạo và cấp giấy phép hành nghề. Vì vậy đào tạo phải gắn với sử dụng và phải kiểm định để cấp giấy phép hành nghề.
Đào tạo và sử dụng là 2 quá trình. Đào tạo làm sao để người học ra trường, sau khi kiểm định sẽ được cấp giấy phép hành nghề. Nếu nhà trường đào tạo xong mà kiểm định không được, như vậy chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu, người lao động ra trường sẽ không có giấy phép hành nghề và xã hội có trách nhiệm chi trả theo quy định của Nhà nước tùy thuộc vào giấy phép hành nghề. Phải có lộ trình đánh giá, có cơ chế để kiểm soát lẫn nhau. Bản thân người sử dụng lao động cũng có thể phạt người kiểm định nếu kiểm định sai. Điều đó sẽ tác động để các cơ sở đào tạo phải vươn lên, phải sàng lọc, đầu tư để đào ra nguồn nhân lực có chất lượng.
Một điều nữa là, Nhà nước phải dần bỏ bao cấp đối với lĩnh vực đào tạo nghề. Người lao động phải bỏ chi phí ra để thụ hưởng tri thức và kỹ năng nghề để sau này có việc làm, có thu nhập. Nhưng Nhà nước sẽ đầu tư vào những ngành nghề Nhà nước cần, những ngành nghề không cho thị trường can thiệp vào. Bên cạnh đó cũng cần phải có cơ chế ràng buộc giữa nhà trường với các doanh nghiệp. Cơ chế này buộc doanh nghiệp phải tham gia đầu tư cho các cơ sở đào tạo, đồng thời các cơ sở đào tạo cũng phải có trách nhiệm để bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cho các doanh nghiệp.
Khi mà tâm lý “sính” bằng cấp vẫn tồn tại thì dường như giáo viên nghề vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng của mình?
- Trong xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và tri thức như hiện nay thì quan niệm về giáo viên nghề cũng phải có nhiều thay đổi. Ngày xưa, người ta cho rằng giáo viên nghề không cần có nhiều tri thức, chủ yếu là tay nghề, nhưng ngày nay yêu cầu đối với giáo viên nghề là vừa phải có tri thức cao vừa phải có kỹ năng thực hành giỏi.
Chúng ta phải xác định đã là thầy giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà lại sợ thất nghiệp thì không phải thực sự là thầy giỏi vì trong điều kiện hiện nay môi trường làm việc của giáo viên nghề sẽ rất rộng, nhu cầu rất lớn. Họ có thể đứng trên lớp giảng dạy cho người học hoặc có thể ra ngoài thực hành nghề thành thạo, một người thầy như vậy chắc chắn xã hội sẽ rất cần và họ cũng có nhiều cơ hội làm nghề, với mức thu nhập cao. Để đáp ứng yêu cầu của xã hội, họ phải không ngừng trau dồi tri thức, học hỏi, nghiên cứu, luôn luôn tự làm mới mình, đạt được những bằng cấp nhất định, có như thế thì người thầy mới thực sự là thầy giáo trong thời đại mới.
Thực tế có nhiều người không mặn mà với công việc dạy nghề, phải chăng vì thế mà đội ngũ giáo viên dạy nghề vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt?
- Có một nghịch lý là giáo viên dạy nghề nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vấn thiếu. Thiếu là thiếu những giáo viên thực sự giỏi về cả lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Còn thừa những giáo viên kém về năng lực, trình độ chuyên môn và hiện nay theo khảo sát của chúng tôi có khoảng 30% giáo viên nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì vậy, học sinh học nghề ra trường không làm nghề được, ngoài nguyên nhân do chương trình lạc hậu thì một phần cũng là do thầy giáo không đáp ứng yêu cầu.
Xin cảm ơn TS!