Không bắt buộc phải có chứng chỉ giám định chuyên ngành
TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên hủy quyết định xử phạt đối với ông Toàn, ông nghĩ sao?
-Theo tôi, việc TAND tỉnh Quảng Bình tuyên hủy quyết định xử phạt của Hạt Kiểm lâm (HKL) Vườn đối với hành vi vi phạm lâm luật của ông Toàn có nhiều điểm bất hợp lý, chưa thỏa đáng và làm nản lòng những người thực sự muốn bảo vệ tài nguyên rừng.
Lực lượng Kiểm lâm (KL) của Vườn hầu hết đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp kiểm lâm hoặc lâm nghiệp trở lên. Hàng năm, HKL Vườn đã phối hợp với các cơ quan như Trường Đại học Lâm nghiệp, Chi cục KL tỉnh Quảng Bình, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên... tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng KL Vườn các mặt như: nhận dạng, kiểm định các loài động, thực vật và các sản phẩm động vật hoang dã của Việt Nam nói chung và tại Vườn nói riêng; kỹ năng giám sát đa dạng sinh học; quy trình, thủ tục xử lý vi phạm hành chính, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã; kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng; sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ...
|
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. |
Về năng lực của lực lượng KL trong việc xác định lâm sản đối với vụ việc này là đảm bảo. Việc HKL Vườn ra quyết định xử phạt ông Toàn là đúng thẩm quyền. Cụ thể, lực lượng KL có quyền kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo thẩm quyền, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định của pháp luật.
Nhưng HĐXX đã kết luận các KL viên chưa có chứng chỉ giám định chuyên ngành mà khẳng định đó là thịt sơn dương là không đủ cơ sở, thưa ông?
- Theo quy định của Luật Xử lý VPHC và Nghị định 157/2013/NĐ-CP thì KL viên khi thực thi công vụ có trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm về lâm luật và có quyền lập biên bản VPHC mà không đòi hỏi phải có chứng chỉ giám định chuyên ngành như tòa kết luận.
Việc bắt buộc phải có chứng chỉ giám định chuyên ngành chỉ xảy ra trong hoạt động giám định tư pháp (lập biên bản vi phạm hành chính không là thủ tục của hoạt động giám định tư pháp). Xin nói thêm rằng, toàn lực lượng KL của Quảng Bình hiện chỉ có duy nhất một người ở Chi cục KL tỉnh có chứng chỉ giám định chuyên ngành lâm nghiệp. Mà thực tế, các vụ VPHC trong lâm luật xảy ra ở Quảng Bình hầu hết đều do các KL viên lập biên bản và họ không có chứng chỉ giám định chuyên ngành.
Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC trong vụ việc của ông Toàn không cần trưng cầu giám định vì theo Khoản 1 Điều 59 Luật Xử lý VPHC thì “trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định”, nên đây là quy định tùy nghi chứ không bắt buộc.
Hơn nữa, chính ông Toàn cũng đã thừa nhận hành vi vận chuyển thịt sơn dương trái phép của mình bằng việc ký vào biên bản nên càng không cần thiết phải niêm phong tang vật và trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định chỉ bắt buộc khi ông Toàn cho rằng miếng thịt đó không phải là thịt sơn dương hoặc người có thẩm quyền xử phạt nghi ngờ đó không phải là thịt sơn dương.
Sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng
Khi xét xử, tòa căn cứ Luật Xử lý VPHC 2013, Nghị định 81/2013/NĐ-CP và kết luận hồ sơ xử phạt hành chính đối với ông Toàn không có hiệu lực pháp lý. Xin ông cho biết quan điểm về điều này?
-Nếu theo căn cứ của tòa thì mẫu biên bản VPHC và quyết định xử phạt VPHC mà HKL Vườn đã áp dụng đối với vụ việc của ông Toàn là sai. Nhưng tại thời điểm đó, không riêng gì KL của Vườn mà toàn lực lượng KL Việt Nam đều sử dụng mẫu ấn chỉ của Cục Kiểm lâm (đơn vị duy nhất theo Nghị định số 119/2006/NĐ-CP được giao quyền thống nhất quản lý, ấn hành các loại ấn chỉ xử lý VPHC trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản - PV) ban hành kèm theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009.
Nếu tòa cho rằng, các mẫu văn bản của HKL chúng tôi sử dụng để lập hồ sơ xử phạt HC đối với ông Toàn không có hiệu lực pháp lý thì xin được hỏi lại tòa: Cả nước sẽ có hàng ngàn, hàng vạn quyết định xử phạt VPHC về lâm luật tương tự như vậy cũng không có hiệu lực pháp lý hay sao? Theo tôi, mẫu ấn chỉ nào cũng chỉ là hình thức, có thể thay đổi được còn bản chất vụ việc mới là điều quan trọng và mang tính quyết định. Vì vậy, ngày 4/9/2014, HKL Vườn đã có đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ việc theo trình tự phúc thẩm.
Quảng Bình có mức độ che phủ rừng cao nhất cả nước, cũng là địa phương có mức độ đa dạng sinh học đứng hàng đầu. Riêng Vườn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt diệt. Bảo vệ rừng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài và đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức, đồng tâm hiệp lực của các cấp ngành, toàn xã hội. Nhưng phán quyết thiếu hợp lý của TAND tỉnh Quảng Bình có thể trở thành một tiền lệ xấu không chỉ đối với công tác bảo vệ tài nguyên rừng, thực thi lâm luật mà còn với cả hoạt động thực thi pháp luật nói chung. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Quảng Bình vốn đã gặp nhiều khó khăn lại càng phức tạp hơn.
Xin cám ơn ông!