Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp thép và nhôm Việt Nam trước việc Mỹ có thể hạn chế nhập khẩu hai mặt hàng này.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành công khai báo cáo đệ trình tổng thống xem xét, quyết định biện pháp áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act). Mục 232 quy định về việc Tổng thống Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
DOC khuyến nghị một số phương án hạn chế nhập khẩu áp dụng đối với nhôm và thép dưới hình thức thuế quan hoặc hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng với tất cả các nước/vùng lãnh thổ hoặc một nhóm nước/vùng lãnh thổ xuất khẩu các mặt hàng này vào Hoa Kỳ.
Sau khi nhận được báo cáo của DOC, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về áp dụng hoặc không áp dụng, mức độ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép (trước ngày 11 tháng 4 năm 2018) và với nhôm (trước ngày 19 tháng 4 năm 2018).
Trước sự việc này, Bộ Công Thương cho biết đã theo dõi sát vụ việc ngay từ giai đoạn ban đầu, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ thông tin và ứng phó với vụ việc.
Do thép, nhôm Việt chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nhập vào Mỹ, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ nước này cân nhắc kỹ việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nêu trên. Việc này cũng nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Trước đó, tháng 12/2017, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế 265% với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam với lý do "có nguồn gốc từ Trung Quốc". Bộ Công Thương kiểm tra sau đó cho thấy có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Mỹ có mã trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ.
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 380.000 tấn thép, trị giá gần 303 triệu USD.