Từ một tin nhắn cầu cứu của một thanh niên gửi tới đường dây nóng, nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật lần tìm và xâm nhập vào được một đường dây lừa đảo người lao động từ TP HCM đưa lên Tây Nguyên bán như "mớ rau con cá".
Tin nhắn cầu cứu lúc nửa đêm
22h ngày 11/5, tổng đài đường dây nóng Xa lộ Pháp luật réo chuông. Những cuộc gọi lúc nửa đêm như vậy thường là những cuộc gọi liên quan tới chuyện gia đình, tình yêu, tư vấn tâm lý. Những độc giả gọi vào giờ này thường có nhu cầu tâm sự, để được chia sẻ, giãi bày. Tuy nhiên, hôm nay, đầu dây bên kia không gọi điện, mà là tin nhắn khiến nhân viên trực tổng đài tỉnh ngủ: "Tôi cầu xin báo pháp luật giúp đỡ tôi. Cho tôi được về nhà…".
Nạn nhân kể chuyện mình bị lừa bán. |
Bấm máy gọi lại, nhưng chuông vừa đổ một tiếng, đầu bên kia đã từ chối, chứng tỏ họ sợ bị phát hiện liên lạc bằng điện thoại. Hai phút sau, lại tin nhắn mới: "Con không nói chuyện điện thoại được. Công ty môi giới bảo con làm ở Đồng Nai nhưng họ đưa lại đưa con lên Đà Lạt. Có mấy anh ở Vĩnh Long trốn về nhưng bị bắt lại. Con không dám cho người nhà hay nên nhờ mấy chú giúp. Con sức khỏe yếu, không làm được việc nặng".
Từ những thông tin sơ sài trong tin nhắn, ngay trong đêm nhóm phóng viên thường trú Tây Nguyên “lục tung” các địa chỉ, xác định đúng là vụ việc có thật.
Nạn nhân cho biết những người "tạm giữ" yêu cầu phải gửi 2 triệu đồng tiền lên chuộc, mới được thả người. Ít giờ sau, số tiền nhóm người đang tạm giữ nạn nhân yêu cầu đã được chuyển vào tài khoản của một người ở Lâm Đồng. Ngay sau đó nam thanh niên nói trên đã được thả.
Trần Minh Tú (SN 1988, Cần Thơ) dáng người mảnh khảnh, vẫn chưa kịp hoàn hồn trước những biến cố dồn dập ập đến với mình trong mấy ngày qua.
Tú cho biết, sau khi học hết cấp 3, thấy nhiều bạn cùng trang lứa sau một vài năm lên Sài Gòn làm việc thì tự tin, năng động hơn hẳn, cậu cũng muốn thử. Sẵn gần đây có người bà con ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cần người bốc vác, Tú nhận lời ngay.
Ngày 8/5, chàng trai trẻ khăn gói từ biệt bố mẹ lên đường với nhiều kỳ vọng, háo hức. Nhưng thực tế phũ phàng, những bao quần áo nặng gần 100 kg không phải là công việc dành cho những thanh niên "chân yếu tay mềm" như cậu.
Làm được một ngày, chàng trai dáng thư sinh nhắm "nuốt không vô", đành xin nghỉ, được trả công 100 ngàn đồng.
Tú định bắt xe thẳng về nhà. Nhưng nghĩ cảnh lúc đi ba mẹ chia tay bịn rịn là thế mà mới có một đêm lại xách túi về thì thật bẽ mặt, nên khi ra bến xe, nghe người bạn rủ đi tìm việc khác, Tú ưng thuận ngay.
Cái bẫy “tìm việc miễn phí”
Từ cổng bến xe An Sương, hai thanh niên đi bộ một đoạn trên quốc lộ 22 hướng về Hóc Môn thì thấy có văn phòng đề biển tư vấn lao động miễn phí nhìn có vẻ khá chuyên nghiệp đàng hoàng. "Buồn ngủ gặp chiếu manh" hai thanh niên len lén dắt nhau vào.
Tin nhắn cầu cứu đến Xa lộ Pháp luật |
Người tiếp họ là một phụ nữ khoảng 30 tuổi. Chị này đưa ra một loạt công việc như bốc vác, làm thợ hồ, rập nón bảo hiểm, nhuộm vải... toàn những công việc nặng nhọc không phù hợp với sức lực của Tú. Có những công việc phù hợp thì lại chỉ còn một suất.
Cuối cùng, sau hàng giờ tư vấn hết sức nhiệt tình, cả hai cùng thống nhất nhận công việc là "cắt tỉa cây cảnh" với lương tháng 2,5 - 3,2 triệu đồng, làm việc ở Đồng Nai, được bao ăn ở, thậm chí còn được bao thuốc hút. Hai chàng trai khấp khởi mừng thầm.
Tuy bên ngoài đề biển tư vấn miễn phí, nhưng trước sự tiếp đón nhiệt tình chu đáo của những hướng dẫn, Tú áy náy hỏi: "Em có phải trả phí gì không?". Chị tư vấn cười xòa: "Không mất gì đâu, tư vấn miễn phí", còn nhẹ nhàng: "Các em đưa chứng minh nhân dân đây chị coi".
Nhận hai giấy từ hai thanh niên, chị này cầm luôn giao cho người đàn ông khác. Sau này Tú mới biết đó là sai lầm của mình.
Tú và cậu bạn người Đồng Tháp được hai người đàn ông chở thẳng ra bến xe. Những người này đưa cho nhà xe phong bì có CMND. Họ không nói gì với nhau. Sau đó, hai thanh niên được đẩy lên xe.
Lúc Tú lên xe là khoảng 2h chiều. Từ nhỏ đến lớn Tú chưa từng ra khỏi Cần Thơ nên cũng không biết Đồng Nai. Cậu nhìn ra cửa, thấy xe chạy băng băng qua Biên Hòa, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán... mãi vẫn không thấy xe dừng.
Ban đầu còn đi ở thành phố, khu dân cư, thưa dần vào đến những đoạn đường dốc lên dốc xuống, hai bên chỉ có rừng cây, đồi núi..., chàng trai bắt đầu lo ngại.
Chiều tối, khi xe dừng ăn cơm ở một quán cơm ven đường, Tú mạnh dạn hỏi người chủ quán, được biết đây là huyện Tân Phú, giáp ranh với Lâm Đồng.
Tuấn lo lắng nói với cậu bạn, được trấn an: "Chỗ vắng vẻ thế này, xuống xe cũng chẳng bắt được xe về, hơn nữa giấy tờ người ta cầm rồi, cứ lên xe biết đâu kiếm được việc tốt".
Tiếp thêm hàng giờ chạy qua những ngọn núi đèo hai bên là rừng, sau này Tuấn mới biết đó là đèo Bảo Lộc, xe tách khỏi đường lớn đi vào đường nhỏ. Con đường hun hút, thưa thớt nhà cửa, gần 22h xe dừng trước một ngôi nhà ven đường. Tú và cậu bạn được tiếp đón khá hững hờ.
Bà chủ nhận được phong bì giấy tờ từ lơ xe, chị ta quay lại nói "vào đây". Hai chàng trai ôm quần áo theo người đàn bà trẻ tuổi. Họ được dẫn vào căn phòng ở cuối cùng của dãy, hai bên xây tường cao, bên trong kín mít.
Cuộc sống cầm tù, giam lỏng
Trong phòng lúc đó có 8 người đàn ông và hai người phụ nữ đứng ngồi lố nhố. 12 người chen chúc trên hai giường đôi. Cả đêm hôm đó Tú không ngủ được vì lo lắng: Không biết mình đang ở đâu?. Những người này là ai?. Những gì đang đợi mình phía trước?.
Giấy chuyển tiền để chuộc người bị lừa ra. |
Sáng hôm sau, cửa phòng bật mở, một người đàn ông to béo thò đầu vào nói lớn: "Ai đi làm rẫy cà phê". Hàng chục con người nhốn nháo. Tú vẫn còn chưa hiểu chuyện gì.
Có 6u người xung phong đi, gồm một cặp vợ chồng và bốn thanh niên. Sau một hồi ngắm nghía, người đàn ông chỉ chọn hai thanh niên nhìn "to khỏe nhất".
Lúc đó Tuấn hiểu mình rơi vào tay những kẻ lừa đảo. Những ngày giam lỏng của Tú bắt đầu. Cậu cùng hơn 10 người ru rú trong căn phòng khoảng 15m2. Hàng ngày ai có tiền thì tự ra ngoài mua cơm về ăn, đi đâu phải hỏi, có người hộ tống "đi đến nơi về đến chốn".
Mấy bữa đầu còn tiền ăn cơm, mấy bữa sau thì tất cả mua mì tôm về nấu ăn chung. Hơn 10 con người có chung một nhà vệ sinh kiêm nơi tắm giặt. Chàng trai trẻ rùng mình nhớ lại: "Không khá gì hơn đi tù".
Một ngày có khoảng 3 - 4 ông chủ đến xem mặt. Người chủ sẽ nói lớn: Ai đi nuôi heo, làm rẫy, bốc vác.... hoặc "ai là Thanh Hóa, Quảng Nam". Chọn người nào, người chủ phải trả tiền "dịch vụ" cho những người quản lý từ 1 - 2 triệu đồng. Lúc đó người lao động sẽ theo những người chủ mới với mức lương từ 1,8-2,5 triệu đồng/tháng.
Mỗi ngày đều có những người mới được đưa đến bổ sung. Buổi tối đầu tiên, Tú ở đó thì có 3 người đi làm rẫy đã phải trở về vì vất vả quá không chịu nổi. Có hai người bỏ trốn, đều bị bắt lại.
Biết mình không thể làm nổi, Tú xin về thì được chủ cho biết phải trả 1.950.000 đồng tiền phí dịch vụ, môi giới, tiền xe... Đến nước này, Tú đành nhắn tin cầu cứu. Tiền về đến tài khoản thì Tú được thả.
Trước khi lên xe về quê, chàng trai gửi gắm: "Tuy em được thả rồi nhưng còn người bạn đi cùng em, còn những người khác mà gia đình không có tiền chuộc, vẫn bị nhốt ở đó. Em mong các anh chị giúp đỡ cho mọi người được thả ra".
Trong vai người lao động, người thuê lao động, nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật đã xâm nhập được vào đường dây mua bán người nói trên. Có những lúc phóng viên xâm nhập bị giam lỏng cả 10 tiếng đồng hồ, có những khi mất liên lạc khiến "đồng đội" bên ngoài toát mồ hôi hột.
Đáp lại những nỗ lực trên, cả một đường dây lừa đảo sẽ bị phanh phui trong bài viết trên số báo tới.
Theo Xa lộ pháp luật