Pháp chế doanh nghiệp chưa “xứng tầm”

Qua 1 năm triển khai Nghị định số 55/CP (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế), được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT), vai trò của pháp chế doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng được nâng cao và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế DNNN cũng như thực hiện tốt Nghị định 55 thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Qua 1 năm triển khai Nghị định số 55/CP (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế), được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT), vai trò của pháp chế doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng được nâng cao và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế DNNN cũng như thực hiện tốt Nghị định 55 thì vẫn còn nhiều việc phải làm. 
hình minh họa
hình minh họa
Pháp chế “vững”, doanh nghiệp mới mạnh
Sau 1 năm thi hành Nghị định 55, hầu hết các TĐ, TCT đều có các Phòng, Ban Pháp chế. Còn tại một số TĐ, TCT, mô hình tổ chức pháp chế chưa tách độc lập, gắn với Phòng Thanh tra hoặc gắn với Văn phòng. Một số nơi, chưa có tổ chức pháp chế độc lập mà chỉ có cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Các đơn vị thành viên của các TĐ, TCT thường bố trí cán bộ pháp chế hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Một số DN được sự quan tâm của lãnh đạo đã thực sự hoạt động có hiệu quả, phát huy được năng lực của mình, góp phần phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TĐ, TCT, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, bảo đảm an toàn vốn và tài sản của Nhà nước, góp phần phát triển KT-XH của đất nước. 
Tuy nhiên, một số tổ chức pháp chế tại các DN hoạt động còn bị động, lúng túng, chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ của mình. Thậm chí theo đánh giá ban đầu của Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến thì tổ chức pháp chế của các TĐ, TCT như hiện nay là chưa xứng tầm với nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế tại DNNN theo quy định của Điều 7 Nghị định 55.
Chia sẻ với nhận định của ông Tuyến, đại diện TCT CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) cho biết: Công tác pháp chế tại PTSC mang đặc thù là công tác pháp chế của DN kinh doanh, tập trung nhiều vào việc rà soát tính pháp lý và chuẩn bị các hợp đồng thương mại, tư vấn, kiểm soát rủi ro pháp lý DN. Ngoài ra, do PTSC là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí – lĩnh vực kinh doanh có yếu tố hội nhập cao, các hợp đồng có giá trị lớn, các khách hàng, đối tác là những TĐ lớn của thế giới với nhiều kinh nghiệm… Do đó, rất cần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại đơn vị để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc nhưng TCT và các đơn vị thành viên lại đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.
Khẩn trương kiện toàn bộ máy pháp chế
Để tiếp tục phát huy những quy định tích cực của Nghị định 55 đối với công tác pháp chế DN, ông Tuyến kiến nghị các DNNN thực hiện một số nhiệm vụ như tiếp tục phổ biển, quán triệt đến từng đảng viên, cán bộ, nhân viên ở các DN, đơn vị thành viên có nhận thức đầy đủ, thống nhất về các nội dung cơ bản của Nghị định 55; chủ động soạn thảo, trình lãnh đạo DN ban hành các văn bản quy định cụ thể nhằm triển khai kịp thời Nghị định 55; xây dựng quy hoạch và thực hiện kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn luật cho đội ngũ nhân viên pháp chế, bảo đảm yêu cầu đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định số 55; chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và các DN, đơn vị thành viên khác có liên quan tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế DN; tổ chức sinh hoạt pháp chế DNNN định kỳ hàng năm… Bên cạnh đó, đối với các DN chưa kiện toàn tổ chức pháp chế, cần khẩn trương xây dựng, trình lãnh đạo DN phê duyệt Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế DN.
Đại diện TCT Phân bón và hóa chất dầu khí thì đề xuất phải hoàn thiện nhiều vấn đề liên quan đến công việc của nhiều chủ thể. Đó là tổng hợp của những giải pháp vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính cụ thể về thể chế và thực tiễn áp dụng pháp luật từ phía các cơ quan Nhà nước và hoàn thiện cơ chế phối hợp trong hệ thống DN, tự hoàn thiện tổ chức pháp chế trong mỗi DN. Chỉ nói riêng về mặt thể chế, cụ thể ở đây là Nghị định 55, vị đại diện này không ngần ngại bày tỏ: Nghị định góp phần tăng cường ý thức coi trọng pháp luật của DN song nó chưa đủ để mọi lãnh đạo DNNN có nhận thức đồng đều. Đấy là chưa tính đến mặt trái của quá trình triển khai Nghị định 55 có thể sẽ là tính hình thức trong hoạt động của các tổ chức hay nhân viên pháp chế, bởi lẽ “khó mà biết được DN có tổ chức hay nhân viên pháp chế xuất phát từ nhu cầu nội tại và sự cần thiết của chính DN hay vì tính chất bắt buộc của Nghị định 55”.
H.Thư

Đọc thêm