VKS khẳng định Đinh La Thăng không oan, lãi của Oceanbank không có thật

(PLO) - Sáng 23/6, phiên tòa phúc thẩm vụ án PVN thất thoát 800 tỷ đồng tiếp tục phần tranh luận  Trong khi các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì VKS khẳng định những cáo buộc có căn cứ, bác nhiều nội dung kháng cáo.
Đại diện VKS tại tòa phúc thẩm
Đại diện VKS tại tòa phúc thẩm

Nguyên kế toán trưởng PVN xin giảm nhẹ hình phạt

Mở đầu, bị cáo Ninh Văn Quỳnh trong phần tự bào chữa đã thừa nhận cả 2 tội danh nhưng xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Quỳnh không đồng tình với lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khi Sơn cho rằng đã đưa cho Quỳnh gần 200 tỉ đồng. Bị cáo thừa nhận chỉ lạm dụng chiếm đoạt 20 tỉ đồng như bản án sơ thẩm đã quy kết. 

Tại lần góp vốn thứ 1, bị cáo Quỳnh cho rằng chỉ ký văn bản chuyển tiền 400 tỷ vào Oceanbank. Sau đó, đi công tác nước ngoài là chứng cứ ngoại phạm, bị cáo không chỉ đạo việc chuyển tiền này. “Bị cáo chỉ là kế toán trưởng, không phải kiểm soát viên tài chính; trình độ chuyên môn hạn chế, thiếu trách nhiệm trong việc tham gia giám sát góp vốn”, bị cáo Quỳnh trình bày.

Với lý do sức khỏe kém nên nguyên Kế toán trưởng PVN mong HĐXX xem xét giảm án để có cơ hội quay lại với gia đình, xã hội.

Trong khi đó, đại diện Oceanbank (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) nêu ý kiến về số tiền 20 tỷ đồng. “Bản án sơ thẩm nhận định Quỳnh chiếm đoạt 20 tỷ của Oceanbank, nhưng lại quyết định truy thu trả cho Nguyễn Xuân Sơn hiện lại giữ tại Cục thi hành án dân sự. Vì Nguyễn Xuân Sơn đang đứng trước nhiều bản án khác nhau nên mong HĐXX lưu tâm đến vấn đề dân sự này”, đại diện ngân hàng Oceanbank nêu.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự PVN nêu ý kiến. PVN đề nghị HĐXX căn cứ vào quá trình điều tra vụ án, quá trình thẩm vấn tại phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN.

Về xử lý vật chứng 20 tỷ đồng mà ông Quỳnh đã chiếm đoạt: vị luật sư cho rằng đây là số tiền phát sinh từ quan hệ cá nhân của Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh. Trên hồ sơ đã thẩm tra mong HĐXX đưa ra cách giải quyết phù hợp. Số tiền thiệt hại 800 tỷ, đại diện PVN đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật.

VKS đối đáp

Sau khi lắng nghe các ý kiến, đại diện VKS đã đối đáp lại. “Chúng tôi không quy chụp cho các bị cáo. Trong buổi tranh tụng hôm nay, tội Cố ý làm trái, trước tiên phải đi vào hành vi phạm tội của các bị cáo, hậu quả phạm tội”, đại diện VKS khẳng định. 

Vị đại diện VKS cũng nêu hành vi của các bị cáo trong lần góp vốn thứ 1, Đinh La Thăng ký thỏa thuận 6934 nhưng không có ý kiến của các thành viên HĐTV. 

Lần 2, bị cáo Thăng không thông qua HĐQT, không họp và ra quyết định khi chưa có ý kiến của Thủ tướng. Lần 3, bị cáo Thăng nói có đi công tác nên không biết. Tuy nhiên, theo đại diện VKS Ban Thư ký có khai tại phiên tòa: Nghị quyết 4266 có chuyển trực tiếp cho Chủ tịch. Như vậy, ông Thăng có biết sự việc này. “Như vậy, Đinh La Thăng phạm tội là không oan”, đại diện VKS đối đáp.

Đối với Ninh Văn Quỳnh, đại diện VKS cho rằng trong suốt 3 lần góp vốn, bị cáo đã trình, chỉ đạo và tham mưu cho ban tài chính kế toán để từ đó cho ra nhiều văn bản và để HĐQT ký văn bản quyết định chuyển tiền góp vốn qua 3 lần. Như vậy, bị cáo Quỳnh đồng phạm trong tội Cố ý làm trái là không oan.

Với tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, công tố viên lập luận: Năm 2009 – 12/2013, bị cáo Quỳnh là kế toán trưởng nhận tiền chi lãi ngoài từ Nguyễn Xuân Sơn. Trong phiên xử, bị cáo Sơn khai đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh hơn 180 tỉ đồng. Nếu bị cáo Quỳnh không phải là người có chức vụ quyền hạn thì Sơn sẽ không chuyển tiền cho Quỳnh. Ở tội này, bị cáo phạm tội là không oan.

Đại diện VKS cũng khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là đúng quy định của pháp luật. “Tiền của PVN là có thực, số tiền chuyển đi và nhận về là có thật nhưng theo kết luận, lãi của Oceanbank là không có thật”, công tố viên đối đáp.

Đọc thêm