Cho phạm nhân vay tiền thi hành án để được xét đặc xá

(PLO) - Phạm nhân ấy đã có thể vuột mất cơ hội được ra tù trước thời hạn, nếu như không có người giám thị giàu lòng trắc ẩn.
 
Hoàng suýt mất cơ hội được đặc xá, nếu không có thiếu tá Tiến giúp đỡ
Hoàng suýt mất cơ hội được đặc xá, nếu không có thiếu tá Tiến giúp đỡ
Phạm nhân nhà nghèo
Nhà cha mẹ , Lê Đăng Hoàng (SN 1993, phạm nhân vừa được đặc xá tại Trại tạm giam Nghi Kim, TP.Vinh, Nghệ An) nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu).  Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1983, mẹ kế của Hoàng) cho biết: 
 Hoàng là con đầu trong hai con trai riêng của chồng chị. Gia đình trước đây cũng thuộc diện khá giả trong làng, nhưng từ khi mẹ đẻ Hoàng mắc bệnh suy thận, kinh tế dần trở sa sút. Mẹ mất khi Hoàng 10 tuổi, em trai 7 tuổi. Thiếu vắng bàn tay phụ nữ chăm lo cộng với khoản nợ lớn lo thuốc trang trước đó, 3 cha con ngày càng túng quẫn. 
Một thời gian sau, nhờ họ hàng mai mối, bố Hoàng là ông Lê Đăng Thái (SN 1973) đi thêm bước nữa với chị Nga và có thêm một con trai.
Cũng do nghèo, Hoàng học hết lớp 8 thì nghỉ, đi vác gạo thuê và phụ hồ. Cậu bé vốn hiền lành, chăm chỉ, làm được bao nhiều tiền đều đưa về. Năm 2009, Hoàng 16 tuổi, trong một lần cùng bạn đi đám cưới ở xã bên, nhóm Hoàng bị thanh niên làng này đánh do là “trai Diễn Kỷ”. Cả nhóm chạy thoát, lại phát hiện một thanh niên trong nhóm vừa đánh mình đi ngang liền lao vào trả đũa khiến người này hỏng một mắt.
Gia đình Hoàng và bốn người trong nhóm góp mỗi nhà 1,5 triệu thăm nạn nhân. Hai năm sau, một lần nạn nhân đi xe máy đâm vào cột điện bị thương nặng, người nhà cho rằng do hậu quả của lần bị nhóm Hoàng đánh nên mới đưa sự việc ra công an. 
Hoàng bị xử phạt 4 năm 2 tháng tù, bồi thường cho nạn nhân hơn 23 triệu đồng. Bố Hoàng bán hết tài sản trong nhà cũng không đủ đền bù thay con. 
Thương hoàn cảnh khốn khó của gia đình con gái, bố mẹ chị Nga cắt cho vợ chồng chị 3 sào ruộng. Qua thời điểm thiếu ăn, vợ chồng cố gom góp dăm ba tháng được 1 - 2 triệu vào nhờ Trại giam chuyển đến đơn vị thi hành án dân sự.
Thiếu tá Phạm Công Tiến, người quản giáo tốt bụng đã cho gia đình Hoàng vay tiền thi hành án.
Thiếu tá Phạm Công Tiến, người quản giáo tốt bụng đã cho gia đình Hoàng vay tiền thi hành án. 
Người quản giáo tốt bụng
Đến thời điểm thông báo xét đặc xá dịp 2/9/2015, Hoàng đã trả được hơn một nửa bản án, nhưng gia đình mới bồi thường cho nạn nhân được 10 triệu đồng. Dù có tên trong danh sách xét đặc xá do cải tạo tốt, nhưng nếu không nhanh chóng đóng hết bồi thường, Hoàng sẽ không được xét.
Ông Thái vào thăm con, được cán bộ quản giáo động viên cố gắng vay mượn, trả tiền cho nạn nhân để con sớm được ra tù. Về nhà ông bán hết tài sản, đi vay mới được hơn 9 triệu đồng mang vào nộp. Vẫn thiếu 4 triệu. Tiền gì có thể thiếu, nhưng tiền đền bù thiếu 1 ngàn không được. 
Hôm sau là ngày chốt danh sách đặc xá, cán bộ động viên ông cố gắng xoay tiền cho kịp. Ông Thái vội gọi điện cho vợ. Nhìn quanh nhà cũng không có gì để bán ra tiền, vay mượn thì biết vay ai?
Ông Thái tuyệt vọng bật khóc ngay tại Trại tạm giam. Thiếu tá Phạm Công Tiến (cán bộ quản lý Hoàng mấy tháng gần đây) hỏi han. Người cha dốc lòng: “Còn thiếu 4 triệu nhưng tôi đã đi mượn từ đầu làng cuối xóm. Giờ không nộp đủ thì con trai tôi sẽ không được đặc xá”.
Người quản giáo cảm thông, dốc hết 4 triệu trong ví đưa cho ông. Ông Thái cầm tiền vừa rối rít cảm ơn vừa hứa cố gắng làm việc để sớm trả lại. Kể chuyện, chị Nga vẫn rưng rưng: 
“Gia cảnh bác Tiến không giàu có gì. Vợ con bác ấy cũng chỉ trông chờ vào khoản lương của chồng, nhưng để giúp Hoàng, bác ấy không ngần ngại mang lương của mình cho vay. Gia đình chúng tôi biết ơn bác Tiến”. 
Nhờ hoàn thành trách nhiệm dân sự, có thành tích cải tạo tốt, chấp hành nghiêm quy định của trại giam… Hoàng là 1/33 phạm nhân tại Trại giam Nghi Kim vừa được đặc xá. 
Chị Nga vừa kể vừa lau nước mắt. “Ngày Hoàng biết mình có tên trong danh sách được xem xét giảm án, nó mừng lắm, bảo “bố cố gắng vay mượn tiền nộp cho con rồi sau khi ra tù con đi phụ hồ con trả, bố đừng lo””.
Tinh mơ ngày 31/8, bà Nga đã bắt xe lên TP.Vinh đón Hoàng tại Trại tạm giam. Sau lễ đặc xá, hai dì con bắt xe buýt về nhà. Chị Nga phấn khởi kể: “Cháu đi về thay đổi nhiều. Ngày xưa không biết chào hỏi ai, vậy mà giờ gặp ai cũng lễ phép chào đàng hoàng. Nếu không nhờ những cán bộ tốt bụng như bác Tiến, cháu nó chắc không được chững chạc như bây giờ”./.

Đọc thêm