Phấp phỏng sống bên “tháp nghiêng”

Một ngôi nhà 5 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 22m2 đã kéo những nhà bên cạnh nghiêng theo, rồi phải dựa vào vào nhà khác mới đứng được. Thế nhưng, trong khi hàng chục người dân sống xung quanh phấp phỏng mỗi ngày lo nhà sập, thì chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra biện pháp hữu hiệu

Một ngôi nhà 5 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 22m2 đã kéo những nhà bên cạnh nghiêng theo, rồi phải dựa vào vào nhà khác mới đứng được. Thế nhưng, trong khi hàng chục người dân sống xung quanh phấp phỏng mỗi ngày lo nhà sập, thì chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra biện pháp hữu hiệu.

Nhà số 28 Đại Đồng (bên trái) đã nghiêng tì hẳn vào ban công nhà số 36 Đại Đồng (bên phải)

Giấy phép 3 tầng, xây 5

Căn nhà số 28 ngõ Đại Đồng (phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) do ông Nguyễn Thành Được và bà Lê Thị Thanh Thảo làm chủ được UBND quận Đống Đa cấp giấy phép xây dựng 3 tầng, chiều cao 9,6 m tới đỉnh mái. Thế nhưng, chủ căn nhà này đã xây 5 tầng với kỹ thuật không đảm bảo, khiến cho ngôi nhà xây dựng xong chưa bao lâu đã bị lún nghiêng.

Bằng mắt thường có thể nhìn thấy, ngôi nhà số 28 nghiêng hẳn về phía bên ngoài. Ngôi nhà này kéo nhà số 30 của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn cũng nghiêng theo. Chồng bà Nhạn chỉ cho chúng tôi vết nứt toác rộng cả ngang tay phía trên mái tầng 3 nhà này. “Từ khi nhà bị nhà hàng xóm kéo nghiêng, chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên. Kết cấu nhà bị nghiêng lệch đi khiến chúng tôi lo ngại rủi ro có thể xảy ra với gia đình bất kỳ lúc nào. Đó là chưa kể việc nhà nghiêng hẳn về một bên khiến nước không thoát được như thiết kế, cầu thang có dấu hiệu xô nghiêng và cửa bị kẹt khó đóng mở” – chồng bà Nhạn chia sẻ.

Nhưng những bất cập và lo lắng gia đình bà Nhạn gặp phải dường như vẫn còn ít ỏi so với những gì nhà bà Nguyễn Thị Thu Hà ở số nhà 36. Giữa hai căn nhà vốn cách nhau một con ngõ rộng 1,5m, thế nhưng, căn nhà số 28 hiện đã bị ngả ra dựa hẳn vào ban công của nhà số 36. Bà Hà kể:  “Căn nhà số 28 nghiêng rất nhanh.

Tôi vẫn nhớ buổi sáng đi làm nó còn đứng thẳng, trưa về đã thấy nó tì sát vào ban công nhà tôi. Gia đình tôi đã tự cắt ban công thụt lại 10cm cho hai khối nhà khỏi dính vào nhau, nhưng vừa cắt xong thì căn nhà số 28 lại nghiêng rồi tì vào tiếp. Chúng tôi cắt thêm 10cm nữa nhưng cũng chỉ khoảng 5 – 10 phút sau, nhà số 28 lại lập tức “dính” vào. Đến nay, nhà số 28 đã khiến 3 tầng nhà chúng tôi bị phá nứt. Nếu không có nhà tôi làm điểm tựa, chắc nhà 28 đã đổ ụp từ lâu”.

Chung sống với nhà nghiêng?

Các hộ dân bị tác động bởi công trình tháp nghiêng ở số 28 ngõ Đại Đồng đã phải kêu cứu tới UBND phường Khâm Thiên và UBND quận Đống Đa. Được biết, sau khi nhà số 28 bị nghiêng, chủ nhà đã chủ động tháo dỡ 1 tầng và  “vời” “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh đến để xem xét xử lý. Ông Khánh đã đưa ra nguyên nhân lún nghiêng của nhà này do chủ nhà bỏ qua khâu khảo sát địa chất để có thể đưa ra giải pháp móng phù hợp và an toàn cho công trình. Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam của ông Khánh kết luận: “Công trình này có kết cấu móng bằng bê tông cốt thép thuộc dạng móng nông được đặt trên nền đất tự nhiên, không có cọc bê tông cốt thép do đó đã tạo ra trạng thái nhạy cảm với mọi tác động của môi trường xung quanh dẫn đến lún nghiêng”.

Qua hai lần làm việc tại UBND phường, chính quyền và các hộ dân chưa đưa ra được giải pháp khắc phục tình trạng lún nghiêng của số nhà 28 ảnh hưởng đến an toàn của các hộ dân sống xung quanh. Chính “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh cũng nhận thấy “tuy công trình đã nghiêng về phía ngõ nhưng hiện tại đã tỳ sát vào ban công của công trình liền kề (số nhà 36) do đó đã làm tăng đáng kể độ ổn định và an toàn của công trình”. Ông Khánh đã xử lý móng để chống lún nhưng không căn chỉnh nghiêng được.

Đến lúc này, trong khi chính quyền còn chưa đưa ra biện pháp xử lý công trình xây sai phép không đảm bảo chất lượng dẫn đến lún nghiêng, thì số nhà 36 vẫn phải làm trụ chống đỡ cho “tháp nghiêng”, người dân xung quanh số nhà 28 ngõ Đại Đồng ngày ngày vẫn ra vào qua phía dưới căn nhà nghiêng này, và băn khoăn về an toàn của mình.

Bách Nguyễn

Đọc thêm