Pháp sửa đổi Hiến pháp để… chống khủng bố

(PLO) - Sau vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 khiến ít nhất 130 người thiệt mạng ở Paris, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã tuyên bố rằng “Hồi giáo cực đoan là kẻ thù bên trong của nước Pháp”. Ngày 23/12, Chính phủ Pháp đã công bố một loạt đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhằm tăng cường chống khủng bố…
Binh sĩ Pháp tuần tra tại khu vực tháp Eiffel sau các vụ khủng bố
Sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu làm 130 người thiệt mạng tại Paris hôm 13/11 vừa qua và đất nước phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài, Tổng thống Francois Hollande đã kêu gọi phải bảo đảm cho các quyền hạn trong trường hợp khẩn cấp này không bị kiện tụng bằng cách đưa vào quy định của Hiến pháp.
Quy định về tình trạng khẩn cấp
Trong những đề xuất trên có việc đưa điều khoản tình trạng khẩn cấp vào bộ luật cơ bản của nước này. Nếu sửa đổi được Nghị viện Pháp thông qua, các quyền đặc biệt của cảnh sát trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp như quản thúc tại gia, khám xét các địa chỉ mà không cần có đại diện tư pháp giám sát... sẽ được quy định trong Hiến pháp. 
Hiện nay, các quyền hạn này được quy định trong một đạo luật thông thường và có thể bị khởi kiện tại Tòa án Hiến pháp. 
Một đề xuất khác là tước quốc tịch Pháp của những công dân có hai quốc tịch bị kết án khủng bố, kể cả những người sinh ra tại Pháp. Theo luật hiện hành, chỉ có các công dân nhập quốc tịch Pháp mới bị tước quốc tịch khi bị kết án khủng bố. 
Các phiên tranh luận về sửa đổi Hiến pháp này sẽ được khởi động tại hai viện của Nghị viện Pháp từ ngày 3/2/2016.
Đối mặt kiện cáo
Việc xem xét sửa đổi quy định pháp luật để chống khủng bố cũng là dễ hiểu khi mà Chính phủ Pháp đang đối mặt với nguy cơ bị những người Hồi giáo tại quốc gia này kiện ra tòa với cáo buộc “hành động trái pháp luật” dưới danh nghĩa ngăn chặn các âm mưu khủng bố trong khi áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 5 tuần sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris.
Theo một số luật sư đại diện cho bên nguyên đơn, ít nhất 20 đơn kiện đã được nộp lên tòa án kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Pháp. Hầu hết các đơn kiện này cáo buộc chính phủ đang triển khai những hoạt động bất hợp pháp khi giam lỏng các cá nhân tại nhà mà không nêu rõ lý do hoặc do những sai sót trong quá trình thu thập thông tin. 
Những người đứng đơn kiện cũng phản đối lệnh bắt giam bừa bãi của nhà chức trách. Các luật sư cũng cho biết rất nhiều hồ sơ khiếu kiện khác cũng đang được chuẩn bị liên quan tới những thiệt hại về tài sản cá nhân trong các cuộc bố ráp của cảnh sát. 
Theo luật của Pháp, trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, các cơ quan chức năng được phép giam lỏng một cá nhân tại nhà và triển khai các cuộc bố ráp mà không cần lệnh của tòa án. Bộ trưởng Nội vụ được phép ra lệnh giám sát chặt chẽ bất kỳ cá nhân nào được cho là có khả năng đe dọa an ninh công cộng. 
Những đối tượng này bị yêu cầu ở nhà vào ban đêm hoặc chỉ được phép di chuyển trong một khu vực giới hạn, phải trình diện cảnh sát 3 lần/ngày, một số đối tượng thậm chí còn bị gắn chip điện tử định vị. Nhiều người phản đối tình trạng này khi cho rằng các cơ quan chức năng giam giữ người dựa trên những tài liệu mật vụ và những nghi ngờ không được xác minh là không công bằng.
Binh sĩ Pháp tuần tra tại trạm tàu điện ngầm ở đại lộ Champs-Élysées 
Liên tục căng thẳng
Chính quyền Pháp vẫn chưa hề được ngơi nghỉ khi mà vẫn có thêm nhiều âm mưu khủng bố bị phát giác. 
Ngày 22/12, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết lực lượng an ninh quốc gia đã ngăn chặn âm mưu tấn công nhằm vào cảnh sát và binh lính quân đội ở khu vực Orleans ở phía Tây Nam thủ đô Paris, đồng thời bắt giữ hai đối tượng liên quan. 
Theo đó, Cơ quan mật vụ Pháp (DGSI) đã triệt phá kế hoạch tấn công này. Hai nghi can ở độ tuổi 20 và 24 mang quốc tịch Pháp đã bị bắt giữ để phục vụ điều tra. Lực lượng an ninh cho rằng nhiều khả năng hai tên này thực hiện kế hoạch theo chỉ thị của một đối tượng mang quốc tịch Pháp khác đang ở Syria.
Trước đó, Cty đường sắt nhà nước Pháp SNCF thông báo đang thử nghiệm cài đặt phần mềm phát hiện những hành vi và hành lý khả nghi cho các camera giám sát giao thông và nếu thành công sẽ mở rộng chương trình cho toàn bộ 40.000 camera giám sát trên toàn nước Pháp. 
Phần mềm mới đang được thử nghiệm cho phép phát hiện những thay đổi về thân nhiệt, cường độ giọng nói và những cử chỉ cơ thể không bình thường cho thấy hành khách đang trong tình trạng lo lắng khi chuẩn bị cho một dự định xấu. 
Những túi hành lý bị bỏ quá lâu cũng sẽ được các camera này theo dõi chặt chẽ. Việc thử nghiệm đã được luật pháp cho phép. Ngoài ra, SNCF cũng lên kế hoạch trang bị cho các nhân viên các loại camera gắn trên quần áo để xác định những hành động đáng nghi và SNCF cũng chuẩn bị triển khai một ứng dụng cho phép các hành khách cảnh báo nguy hiểm từ điện thoại cá nhân. 
Các nhà chức trách giao thông Pháp đang cân nhắc sử dụng công nghệ để nâng cao khả năng phát hiện những dấu hiệu đáng cảnh báo trong số các hành khách tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Pháp cũng đang xem xét ban hành luật cho phép cơ quan an ninh của SNCF kiểm tra an ninh và hành lý của hành khách. 
Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cũng cho biết, nước này sẽ lắp đặt các cổng an ninh tại các ga tàu ở Paris và Lille trên các dịch vụ đường sắt xuyên châu Âu Thalys từ ngày 20/12. Tuyến tàu cao tốc Thalys nối giữa các thành phố Paris, Lille (Pháp), Brussels (Bỉ), Amsterdam (Hà Lan) và Cologne (Đức). 
Một trong những chuyến tàu Thalys từ Amsterdam đi Paris đã bị một người đàn ông có trang bị vũ khí tấn công hồi tháng 8 vừa qua, tuy nhiên người này đã bị các hành khách khống chế.
Kiểm tra túi vũ khí của hung thủ nổ súng trên tàu Thalys 
Nguy cơ từ “kẻ thù 
bên trong”
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết, hơn 1.000 người đã rời Pháp để tham gia lực lượng thánh chiến tại Syria và Iraq, trong đó 148 người đã chết và 250 người khác đã quay về quê hương. 
Tại Pháp hiện có nhiều tín đồ Hồi giáo: Những người Hồi giáo đã hòa nhập, Hồi giáo gốc (ôn hòa) và Hồi giáo cực đoan. Trong thực tế, Hồi giáo cực đoan cũng có nhiều loại nhưng có thể phân biệt hai loại chính: 
Một là “một hình thức chính trị, tôn giáo cực đoan sùng bái bạo lực”; hai là “một sự cực đoan về tôn giáo nhưng vẫn kêu gọi tôn trọng luật pháp và chính phủ”. 
Ngoài ra, còn một loại Hồi giáo theo trường phái nguyên gốc, tập trung vào cuộc sống của các tín đồ và không ủng hộ cuộc thánh chiến; thậm chí, một số tín đồ Hồi giáo cũng đã có những quan điểm tiến bộ, ví dụ như họ coi trọng vai trò của phụ nữ hơn trong sinh hoạt cộng đồng. 
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dân số (INED) của Pháp, hiện có khoảng từ 3,9 đến 4,1 triệu người Hồi giáo ở Pháp, trong đó có khoảng từ 20 đến 30 nghìn tín đồ Hồi giáo cực đoan bao gồm cả những người thuộc dòng Salafi. Và những người Hồi giáo cực đoan này hoạt động tách biệt với cộng đồng Hồi giáo nói chung tại Pháp. 
Theo một cuộc khảo sát trong năm 2011 của nhật báo “La Croix”, 75% số người từ những gia đình “có nguồn gốc Hồi giáo” được hỏi tuyên bố là tín hữu (trong đó 41% thực hành các nghi lễ). 
Như vậy, số Hồi giáo cực đoạn bao gồm các Salafi chiếm chưa đầy 1% cộng đồng các tín đồ Hồi giáo; và số Hồi giáo cực đoan là các tay súng thánh chiến còn ít hơn nữa. 
Thủ tướng Manuel Valls cho biết, hiện có 10.500 hồ sơ loại S (có liên quan đến “an ninh quốc gia”) được sử dụng để chỉ một người đáng ngờ cho cơ quan cảnh sát, an ninh và tình báo, và chỉ dẫn cho các cơ quan an ninh biết cần phải làm gì trong trường hợp kẻ nằm trong hồ sơ S bị bắt hoặc bị kiểm soát. 
Theo hãng tin AFP, khoảng 10.000 đối tượng trong hồ sơ S, trong đó khoảng một nửa là Hồi giáo cực đoan, gồm các cá nhân có thể có kết nối với các phong trào khủng bố. Trong số đó, một số cá nhân được biết và đã bị kết án về hành vi khủng bố, bao gồm cả những đối tượng liên quan tới các vụ khủng bố năm 1995. 
Những đối tượng khác là Hồi giáo hoặc đang bị nghi ngờ là Hồi giáo cực đoan. Đáng chú ý, trong số nghi ngờ này có khoảng 25% là phụ nữ và 16% là trẻ vị thành niên. 
Mặc dù hiện vẫn chưa có con số chính thức về số lượng các phần tử thánh chiến ở Pháp nhưng theo một số nhà phân tích thì có thể lên tới khoảng vài nghìn người. Tuy vậy, chỉ 10% trong số những kẻ được gọi là “chiến binh thánh chiến” luôn sẵn sàng hành động. 
Cần phân biệt những đối tượng bị liệt vào hạng “chiến binh thánh chiến” và số đã tham chiến tại Syria. 
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đưa ra con số người Pháp (chiến binh Hồi giáo thánh chiến) tham chiến ở Iraq - Syria là khoảng 2.000 người và con số này vẫn còn đang tăng lên. Cũng theo ông Bernard Cazeneuve, tại thời điểm hiện nay có 571 người Pháp tham gia tổ chức khủng bố ở Iraq và Syria.
Cụ thể, trong đó có 199 phụ nữ; 246 người đã trở lại Pháp; 141 người Pháp đã thiệt mạng sau khi gia nhập tổ chức khủng bố ở Iraq và Syria; 103 người được xác định là cực đoan hay đang cực đoan hóa; 200 người bị cấm đi khỏi Pháp vì có nguy cơ làm “chiến binh thánh chiến”.
Theo ông Bernard Cazeneuve, “hiện có 138 chiến binh thánh chiến đã trở về (Pháp) và đã bị truy tố, bị bỏ tù, bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp”. Có nhiều động cơ khiến những người Pháp gia nhập các tổ chức khủng bố ở Syria và Iraq. Số này bao gồm cả những cá nhân xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, có kẻ thì có động cơ bạo lực, nhưng cũng có những người lại có ý định muốn trải nghiệm cuộc sống và đức tin tôn giáo trong một nhà nước Hồi giáo. 
Điều đáng lo ngại là đa phần những người Pháp đến Syria và Iraq là những người trẻ tuổi, họ chưa có đủ nhận thức về cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” và về cuộc “thánh chiến” mà IS đang thực hiện. 
Thủ tướng Pháp cảnh báo nguy cơ hiện vẫn cao hơn bao giờ hết và nước Pháp phải đối mặt với cuộc chiến tranh thật sự chống lại khủng bố, các tay súng thánh chiến và Hồi giáo cực đoan…

Đọc thêm