Thống kê từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, chất lượng nông, lâm thủy sản an toàn hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, các địa phương đã lấy 823 mẫu thủy sản nuôi để phân tích dư lượng các vi sinh vật, hóa chất độc hại. Kết quả phát hiện 4 mẫu thủy sản (chiếm 0,48%) có dư lượng hóa chất vượt giới hạn tối đa cho phép tại khu vực Nam bộ, giảm so với năm 2013 (0,65%).
Cũng trong thời gian này, các địa phương đã lấy 363 mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ để phân tích chỉ tiêu tảo độc, độc tố, Cadimi. Kết quả phát hiện 7 lượt mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ thu hoạch tại các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bình Thuận dương tính với khuẩn Salomnella, chiếm 0,16%, giảm so với năm 2013 (0,2%).
Trong 21.791 mẫu nông lâm thủy sản, phát hiện 570 mẫu vi phạm các tiêu chí vi sinh vật và hóa chất, kháng sinh (chiếm 2,62%).
Về vật tư nông nghiệp, lực lượng chức năng đã lấy 702 mẫu vật tư nông nghiệp,và phát hiện 112 mẫu (chiếm 15,95%) vi phạm về tiêu chuẩn công bố.
Áp dụng các biện pháp răn đe mạnh đối với vi phạm về an toàn thực phẩm
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản tổ chức chiều 14/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ lo ngại nhất là số cơ sở loại C tăng lên, trong khi số mẫu vi phạm về tiêu chuẩn công bố vẫn ở mức lớn 15,95%.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp, tống số cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được thanh, kiểm tra là 14.323 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 1.584 cơ sở (chiếm 11,6%). Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được thanh, kiểm tra là 3.751 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 817 cơ sở (chiếm 21,78%).
Bình luận về việc xử lý các cơ sở loại C, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho rằng, ngoài giải pháp thu hồi giấy phép đối với các cơ sở xếp loại C thì nên điều chỉnh khung hình phạt hành chính đối với hành vi này: “Mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở vi phạm. Chúng ta cần nâng mức xử phạt này lên mức đủ khả năng răn đe các cơ vi phạm, việc thu hồi giấy phép chỉ là biện pháp cuối cùng”.
“Hành lang pháp lý đã có rồi, chúng ta phải làm quyết liệt. Chúng ta không thương một người để làm hại muôn người. Không cho phép ai vì lợi ích của mình để làm hại cho người khác nên chúng ta phải làm quyết liệt theo hướng: Xử phạt, biện pháp bổ sung rút phép và công khai thông tin. Các địa phương cũng cần nghiên cứu thông tin phân loại A, B, C gắn vào sản phẩm để nhân dân biết và lựa chọn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tập trung triệt phá hàng lậu, hàng kém chất lượng trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là tập trung vào thuốc BVTV giả, ngoài luồng đang trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, chọn 1-2 sản phẩm có nguy cơ mất ATVSTP cao để tạo chuyển biến.