Phát hiện nhiều sai phạm tại Tập đoàn hóa chất

(PLO) -  Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của một loạt thành viên chóp bu trong tập đoàn. 
Một công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
Một công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
Các đối tượng bị Kiểm toán nhà nước đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát, người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Vật tư, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Lao động - tiền lương và tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm phát hiện qua kiểm toán.
Đấu thầu, đấu giá không công khai, minh bạch
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước xác định việc quản lý tiền nhàn rỗi tại Vinachem chưa hiệu quả; quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ tồn đọng, nợ quá hạn, nợ khó đòi; mua sắm vật tư, nguyên nhiên - vật liệu không đấu thầu công khai, minh bạch; nhập than không chứng minh được nguồn gốc; kiểm kê còn hình thức; trích thiếu khấu hao tài sản cố định; trích trước chi phí, phân bổ chi phí và trích lập, quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ không đúng quy định.
Đi sâu làm rõ, Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc tiêu thụ tro xỉ tại tập đoàn này không đấu giá công khai, minh bạch; chưa có quy chế bán hàng; cam kết trả lãi vay đối với tiền nhận ký quỹ không đúng; ký kết hợp đồng bán hàng không chặt chẽ; kiểm kê, đo đạc, đánh giá sản phẩm dở dang, trích trước chi phí, phân bổ chi phí vào giá thành chưa được chính xác, còn mang tính tương đối, ước tính; quản lý nguyên vật liệu, nhiên liệu tiêu hao vào sản xuất chưa chặt chẽ dẫn đến vượt định mức cho phép; đầu tư tài chính ngoài ngành nghề chính (tài chính, bảo hiểm, chứng khoán) không hiệu quả, chậm thoái vốn, không tuân thủ theo Nghị quyết của Tập đoàn (Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc).
Ngoài ra, tại Vinachem còn để xảy ra việc khai thác khoáng sản không đúng theo thiết kế mỏ, không đúng theo giấy phép khai thác; khai thác khi chưa được cấp giấy phép; gia hạn giấy phép khai thác chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục; không hạch toán quặng apatit đã khai thác chưa nhập kho, kê khai thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị tập đoàn này xét trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban Đầu tư xây dựng, Chủ đầu tư, Người ra quyết định đầu tư, Giám đốc các ban quản lý dự án, Tổ chuyên gia xét thầu và tập thể, cá nhân có liên quan đến sai sót, tồn tại trong quản lý đầu tư xây dựng. Không đảm bảo năng lực vẫn xem xét trúng thầu tại Gói thầu số 7C thuộc Dự án Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Không đảm bảo năng lực, kinh nghiệm vẫn xem xét trúng thầu tại Gói thầu số 13 thuộc Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe tải Radian của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam.
Gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm cá nhân ông Nguyễn Ngọc Thạch, Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình và bà Đỗ Thúy Ngọc, Ủy viên Ban Kiểm soát Công ty CP Xà phòng Hà Nội trong việc không kê khai các lợi ích liên quan với doanh nghiệp, không thông báo cho Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên, không niêm yết, lưu giữ bản kê khai tại trụ sở chính của doanh nghiệp về các hợp đồng có lợi ích xung đột theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp. 
Trước đó, như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2013 của Vinachem được công bố hôm  23/7/2014. Ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem yêu cầu các đơn vị thành viên nghiêm túc thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để sớm hoàn thành kế hoạch kiểm toán đề ra.
Theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, mục tiêu kiểm toán nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán vốn đầu tư thực hiện các dự án; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài sản, vốn nhà nước, trong quản lý đầu tư xây dựng, công tác quy hoạch, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý tài chính – kế toán, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản của Nhà nước; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong công tác quản lý; xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể và kiến nghị xử lý đối với các sai phạm theo quy định của pháp luật./.

Đọc thêm