Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Thị xã Buôn Hồ, ngày 6/3, một lớp tại trường Mẫu giáo Bình Minh (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) phát hiện 1 trẻ xuất hiện các mụn nước mọc ở mặt và tay, cô giáo nghi ngờ cháu mắc bệnh thủy đậu nên đã liên hệ với gia đình cho cháu về nhà để cách ly và điều trị.
Từ ngày 10/3 – 20/3, lớp này có thêm 23 trẻ đều có các triệu chứng sốt, nổi mụn nước và được gia đình đưa đi khám và điều trị. Các trẻ đều được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu.
Hiện tại các trẻ đều đã được nghỉ học để cách ly và điều trị tại nhà. Cũng trong ngày 20/3, 3 lớp khác xuất hiện 4 trường hợp mắc bệnh tương tự.
Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch thủy đậu tại trường học, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Y tế Thị xã Buôn Hồ đã tiến hành điều tra, giám sát ổ dịch, hướng dẫn vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường và lớp học bằng dung dịch Cloramin B 0,5%, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu tại trường học.
Để phòng chống dịch bệnh thủy đậu, chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần lưu ý: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đã ghi nhận 162 trường hợp mắc bệnh thủy đậu với 5 ổ dịch (TP Buôn Ma Thuột 22 trường hợp, huyện Krông Pắk 26 trường hợp, huyện Ea Kar 37 trường hợp, thị xã Buôn Hồ 27 trường hợp và huyện Buôn Đôn 25 trường hợp).