Phát huy quy định về hòa giải trong tranh chấp đất đai

(PLVN) - Khoản 1 Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Thế nhưng, trên thực tế, có rất  nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn thực hiện quy định này. Tư vấn của Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy) sẽ giúp bạn đọc ứng xử phù hợp trong những tình huống liên quan.
Hội thi hòa giải viên giỏi, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) lần thứ V, năm 2019 
(Ảnh minh họa)
Hội thi hòa giải viên giỏi, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) lần thứ V, năm 2019 (Ảnh minh họa)

Liên quan đến việc thực hiện khoản 1 Điều 202 Luật đất đai 2013, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã và thời hạn giải quyết đã được quy định rất cụ thể tại Khoản 3 Điều 202 Luật đất đai. Theo đó: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai”.

Nhằm nâng cao hơn vị trí, vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã, cũng như yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã cần phải tổ chức hòa giải đối với tranh chấp đất đai, ngày 19/9/2018, TAND Tối cao đã ban hành Văn bản số 02/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính. Đối với tình huống: “Chủ tịch UBND cấp xã không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai, nên các bên tranh chấp không thực hiện được việc khởi kiện tại Tòa án. Vậy, hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã có phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính không?”. TAND Tối cao đã trả lời: “…hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”.

Việc hòa giải là hết sức cần thiết vì điều này giúp các bên đương sự tháo gỡ những tranh chấp, vướng mắc, có thể tiếp tục duy trì tình cảm giữa các bên, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, giảm tải áp lực về số vụ việc phải thụ lý, giải quyết cho tòa án.

Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều vụ việc tranh chấp đất đai nhưng UBND cấp xã hòa giải không thành. UBND cấp xã có văn bản hướng dẫn đương sự khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên, hướng dẫn của UBND cấp xã có khi chưa đầy đủ, còn thiếu sót, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Có những tranh chấp đất đai có thể khởi kiện theo một trong hai lựa chọn hoặc khởi kiện vụ án dân sự hoặc khởi kiện vụ án hành chính, nhưng trong văn bản hướng dẫn của UBND cấp xã có khi chỉ hướng dẫn đương sự khởi kiện theo vụ án dân sự, như vậy là đã bỏ quên hướng dẫn khởi kiện về vụ án hành chính.

Cần lưu ý về mặt thời hiệu khi khởi kiện. Nếu tranh chấp về thừa kế bất động sản thì thời hiệu là 30 năm, nhưng khởi kiện vụ án hành chính thì chỉ 1 năm. Ví dụ: Anh A, chị B là anh em ruột, bố mẹ A, B có mảnh đất 1.000 m2 nhưng bố đã chết, còn lại mẹ A và A đang sống trên mảnh đất đó. Mẹ A làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho A mà không cho B vì cho rằng B là con gái, “xuất giá theo chồng”. A đã làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). B nghe tin nên đã gặp A yêu cầu phải chia một phần đất cho B vì hiện nay B đang khó khăn, không có chỗ ở vì vừa ly hôn với chồng. A và B không tự giải quyết tranh chấp được nên đã làm đơn đề nghị UBND xã hòa giải, nhưng UBND xã hòa giải không thành. 

Trong buổi hòa giải, UBND xã đã cung cấp sổ đỏ của A cho B xem và cho bản sao chứng thực nhưng lại không hướng dẫn B khởi kiện vụ án hành chính. Vì thế sau 1 năm kể từ ngày biết sổ đỏ của A, B không thể khởi kiện vụ án hành chính được vì đã hết thời hiệu khởi kiện. B chỉ có quyền khởi kiện vụ án dân sự và nhiều khả năng những vụ án tương tự kiểu này sẽ mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều cấp xét xử. Trong khi đó, nếu vụ việc tranh chấp về sổ đỏ nói trên nếu được tòa án thụ lý, giải quyết bằng vụ án hành chính thì sẽ thuận lợi hơn.

Từ đó cho thấy, UBND cấp xã mà trực tiếp là Chủ tịch UBND cấp xã, cần trang bị, nâng cao hơn kiến thức pháp luật, để tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai thành công. Trường hợp hòa giải không thành, thì văn bản hướng dẫn của UBND cấp xã có tầm bao quát cao, rõ ràng, chi tiết, cụ thể, đúng luật để đương sự khi đọc văn bản này hiểu rõ mình có quyền khởi kiện tại cơ quan nào, từ đó, đương sự được chủ động lựa chọn cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  

Đọc thêm