Phát huy sức mạnh doanh nghiệp nhà nước

(PLVN) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Tại điểm cầu 63 địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành, DNNN của địa phương. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của DNNN.
Ảnh minh họa.

Thực tế là DNNN tồn tại trong mọi nền kinh tế. Ở Việt Nam, DNNN có vị trí, vai trò quan trọng, được khẳng định cả trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lẫn trong thực tiễn.

Nhiều năm qua, quan điểm về vị trí, vai trò của DNNN trong nền kinh tế đã có lúc có một số thay đổi nhỏ. Quá trình thay đổi ấy, có một số DNNN “biến mất”. Hiện nhắc đến DNNN, có lẽ mọi người chỉ nhớ đến các tập đoàn như Dầu khí, Viễn thông Quân đội, Điện lực, Xăng dầu, Than - Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Ngân hàng Nông nghiệp… Thực tế, còn nhiều DNNN do Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối và có tên gọi khác nhau.

Nhắc đến một số tập đoàn, TCty nêu trên để biết các DNNN đang nắm trong tay nguồn lực (tài nguyên, tài sản, vốn liếng...) vô cùng lớn. Ưu điểm và nhược điểm của hệ thống DNNN thì nhiều người đã biết rõ. Trong các “nhược điểm” thì điểm yếu lớn nhất của DNNN là rất khó hướng đến và cũng khó thực hiện việc tối ưu hóa lợi nhuận như DN trong các khu vực kinh tế khác.

Tại cuộc gặp vừa qua, Thủ tướng đã nhấn mạnh 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN. Trong 12 nhiệm vụ có 3 nhiệm vụ về thể chế.

Đó là, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gõ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Chắc chắn, nhiệm vụ này thuộc Nhà nước. Ở nhiệm vụ thứ sáu thuộc về DNNN, Thủ tướng nêu: “Các DNNN góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các ưu đãi cần thiết với DNNN để phát triển nhanh, bền vững”.

Nhiệm vụ thứ bảy, cũng thuộc về thể chế và cũng thuộc trách nhiệm về cơ quan quản lý. Đó là đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tinh thần xây dựng chính sách...

Nếu không phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nếu không tái cơ cấu vốn, thì khó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn; nếu không chuyển đổi số, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu... thì DNNN rất khó đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế đất nước, góp phần vào tăng trưởng.

Để DNNN dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực; một trong những yếu tố quan trọng là thực hiện tốt các nhiệm vụ về thể chế như Thủ tướng đã chỉ rõ.

Đọc thêm