Chủ động PCTN trong phạm vi trách nhiệm
Theo báo cáo của Ban Cán sự Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, công tác hoàn thiện thể chế nói chung và hoàn thiện thể chế về PCTN của Bộ Tư pháp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Bộ đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động phục vụ cho việc xây dựng, thẩm định các văn bản qui phạm pháp luật quan trọng liên quan đến PCTN và tương trợ tư pháp trong PCTN.
Thực hiện công tác PCTN trong ngành Tư pháp, Bộ đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các qui định của pháp luật về PCTN trong phạm vi trách nhiệm của Bộ. Trong năm 2013, Bộ cũng đã đẩy mạnh thực hiện tốt hoạt động tự kiểm tra nội bộ, công tác thanh, kiểm tra chuyên đề trong công tác thi hành án dân sự (THADS), công chứng nhằm chấn chỉnh, khắc phục nghiêm túc, kịp thời những hạn chế, tồn tại, tăng cường đôn đốc, kiểm tra và tự kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi công chức nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, thường xuyên triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Việc THA các vụ tham nhũng luôn nhận được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp và sự phối hợp, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, chú trọng đảm bảo THA khẩn trương, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho Nhà nước và công dân đối với những vụ tham nhũng lớn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, được dư luận quan tâm như vụ án Epco - Minh Phụng.
Hoạt động giám định tư pháp các vụ án tín dụng, ngân hàng, xây dựng liên quan đến công tác PCTN đã bước đầu đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là đối với một số vụ án tham nhũng, dư luận quan tâm như vụ Công ty Cho thuê tài chính II, Công ty Nước giải khát TP.HCM…
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để PCTN hiệu quả
Đó là mong muốn mà các thành viên trong đoàn của Ban Nội chính TƯ cũng như Bộ Tư pháp đưa ra khi đánh giá về việc thực hiện PCTN của Bộ, ngành Tư pháp thông qua các lĩnh vực công tác. Cơ bản đồng tình với báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, các thành viên trong đoàn của Ban Nội chính cũng trao đổi về trách nhiệm, vai trò của Bộ Tư pháp trong xây dựng thể chế để PCTN, trước mắt là giải quyết được những khó khăn trên thực tế đang hạn chế hiệu quả hoạt động tố tụng và THADS các vụ án tham nhũng.
Chia sẻ với băn khoăn của Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh về tình trạng “coi thường pháp luật có phải do pháp luật chưa được thực thi nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, pháp luật chưa theo kịp cuộc sống khi nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh?”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Chế tài mạnh không phải là giải pháp toàn diện để có thể ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, mà cái chính là phụ thuộc vào ý thức chấp hành và thi hành pháp luật của xã hội”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề được các thành viên của đoàn Ban Nội chính TƯ đặt ra trong hoạt động xây dựng pháp luật, tương trợ tư pháp, giám định tư pháp, THADS, đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp… để góp phần hiệu quả hơn vào công tác PCTN, cũng như những vướng mắc, khó khăn trong thực thi, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.
Từ đó, Bộ trưởng khẳng định trong năm 2014, Bộ Tư pháp xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác PCTN và kiến nghị Ban Nội chính TƯ hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện để Bộ, ngành Tư pháp cùng các cơ quan trong Khối Nội chính tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành trong PCTN cũng như hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thay mặt Ban Nội chính TƯ, Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh khẳng định, Ban Nội chính sẽ “sát cánh” cùng Bộ Tư pháp trong hoạt động hoàn thiện thể chế để phục vụ công tác PCTN nói riêng và thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.