XHH công tác PBGDPL: Cần có chính sách khuyến khích phù hợp

(PLO) - Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của xã hội nói chung và diện mạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Tuy nhiên, chính sách xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay chưa phát huy tốt hiệu quả và quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, cơ chế lãnh đạo, điều hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở; cơ chế phối hợp từng bước phát huy tốt hiệu quả; nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng; việc đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL được quan tâm hơn; nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng được hình thành và phát huy tác dụng; nhiều Chương trình, Đề án về công tác PBGDPL được phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả; số lượt cán bộ và nhân dân được PBGDPL năm sau cao hơn năm trước; gương người tốt, việc tốt trong học tập và chấp hành pháp luật xuất hiện ngày càng nhiều… 
Tuy nhiên, chính sách xã hội hóa trong công tác PBGDPL hiện nay chưa phát huy tốt hiệu quả và quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn (phần lớn các hoạt động PBGDPL đều do ngân sách nhà nước đài thọ, những đơn vị, địa phương không cân đối được kinh phí thì hoạt động PBGDPL không được thực hiện). Những khó khăn, bất cập đó xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Luật PBGDPL còn nhiều “rào cản”, chưa có chính sách khuyến khích phù hợp để huy động đông đảo lực lượng xã hội tham gia. Điều 4 Luật PBGDPL năm 2012 quy định: “Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PBGDPL”. Tuy vậy, Điều 35 Luật PBGDPL lại quy định: “Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động PBGDPL”. 
Xét về nội dung thì hai quy định này hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia PBGDPL và một bên là “khống chế” chỉ có cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhân dân mới được công nhận là báo cáo viên pháp luật. Trong khi đó, chế độ thù lao cho báo cáo viên hoặc những người được mời tham gia PBGDPL còn hạn hẹp. Chính vì vậy mà báo cáo viên pháp luật không “mặn mà” với nhiệm vụ này và cơ quan đầu mối không thể huy động tốt hơn những đối tượng khác tham gia hoạt động PBGDPL. 
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL thì “cá nhân” (kể cả doanh nghiệp tư nhân) tham gia thực hiện công tác PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho PBGDPL“được hưởng chính sách quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 1 Điều này”. Trong khi đó, điểm b Khoản 1 điều 8 thì quy định “được thực hiện hoạt động quảng cáo khi tham gia PBGDPL miễn phí hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động PBGDPL trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo”. 
Quy định này là “rào cản” lớn nhất hiện nay. Bởi, theo Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân không phải là một tổ chức, không có tư cách pháp nhân, nên nếu họ có thành tích trong việc tham gia hoặc đóng góp cho công tác PBGDPL thì có thể được khen thưởng chứ không được quảng bá sản phẩm của mình. 
Thứ hai, nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL chưa đúng mức. Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay phần lớn cán bộ và nhân dân đều nhận thức rằng hoạt động PBGDPL là hoạt động “chính trị” nên phải do Nhà nước đảm trách. Mặt khác, các hoạt động này hiện nay không mang lại lợi ích vật chất cho xã hội nên nếu có tham gia cũng chỉ nhằm mục đích quảng bá sản phẩm của mình.
Thứ ba, sự vào cuộc của các ngành, các cấp chưa triệt để. Để sớm khắc phục tình trạng trên, nhanh chóng đưa chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL vào cuộc sống, thiết nghĩ Nhà nước cần sửa đổi Luật PBGDPL và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP của Chính phủ “mở” và có chính sách khuyến khích phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc hỗ trợ cho công tác PBGDPL.

Đọc thêm