Phát huy vai trò của cơ quan THADS trong theo dõi thi hành án hành chính

(PLO) -Thi hành án là một hoạt động khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan, đặc biệt, việc thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án lại càng gặp nhiều vấn đề nhạy cảm, khó khăn hơn khi đối tượng phải thi hành án là các cơ quan nhà nước. 
Ảnh minh họa

Năm 2017, TAND đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự (THADS) 1.974 bản án, quyết định, trong đó có 1.614 bản án, quyết định của Tòa án không có nội dung phải theo dõi (bác yêu cầu khởi kiện, đình chỉ vụ án); bản án, quyết định có nội dung theo dõi là 360, kỳ trước chuyển sang là 63 việc, trong kỳ báo cáo là 297 việc. Kết quả, các cơ quan THADS đã ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 297 việc, 63 vụ việc còn lại không thuộc diện phải ra văn bản thông báo do Tòa án đã có Quyết định buộc thi hành án; đăng tải quyết định buộc thi hành án hành chính THAHC đối với 40 trường hợp.

Tuy là năm đầu tiên các cơ quan THADS thực hiện chức năng theo dõi THAHC theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nhưng kết quả THAHC từng bước đã được cải thiện với kết quả thi hành xong đạt tỷ lệ 76%. Các cơ quan THADS đã triển khai nhiệm vụ theo dõi THAHC từng bước đi vào nền nếp, qua đó góp phần vào việc giúp Bộ Tư pháp, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về THAHC và bảo đảm thực thi trên thực tế các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Bộ phận thực hiện theo dõi THAHC tại các cơ quan THADS cũng ngày càng được kiện toàn, chuyên nghiệp hơn, tránh được tình trạng lúng túng không thống nhất trong công tác theo dõi các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính. Tuy nhiên, số vụ việc người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức vi phạm nghĩa vụ thi hành án còn chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Bên cạnh đó, công tác THAHC và theo dõi THAHC vẫn còn không ít vướng mắc, khó khăn. Nếu như THADS, thi hành án hình sự, pháp luật quy định cơ chế một chủ thể thứ ba được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành thì THAHC được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án, thường là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành các nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án mà không có sự tham gia của chủ thể thứ ba được giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, khi người phải thi hành án là các cơ quan nhà nước cố tình không chấp hành án hành chính thì việc THAHC trở nên rất khó khăn và kéo dài.

Các cơ quan THADS tham gia vào quá trình THAHC với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng theo dõi THAHC. Do đó, khi người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, đặc biệt là khi người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND thì công tác theo dõi THAHC trở nên “nhạy cảm”, bởi theo quy định tại Điều 173, 174, 175 Luật THADS thì UBND cùng cấp có quyền “chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn” và có “ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS”. Do vậy, dễ tạo tâm lý nể nang của cơ quan THADS, chấp hành viên trong việc thực hiện chức năng theo dõi THAHC, dẫn đến công tác tham mưu quản lý nhà nước về THAHC của các cơ quan THADS khó đạt kết quả như mong muốn.

Trong bối cảnh Nhà nước thực hiên tinh giản biên chế và số lượng án phải tổ chức thi hành của các cơ quan THADS ngày càng tăng về cả việc và giá trị nhưng các nguồn lực đầu tư cho công tác THAHC chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hầu hết cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác theo dõi THAHC đều kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến công tác theo dõi THAHC.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về THAHC và theo dõi THAHC, các cơ quan THADS cần thực hiện tốt Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, trong đó chú trọng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thực hiện chức năng quản lý, theo dõi THAHC. Cùng với đó cần thường xuyên và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về THAHC đến đội ngũ công chức và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức về công tác THAHC; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động THAHC, kịp thời xem xét và xử lý nghiêm các trường hợp chậm thi hành án hoặc không chấp hành án.

Cơ quan THADS cần tập trung kiểm tra việc THAHC tại các cơ quan, địa phương có số lượng vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác THAHC nhằm thống nhất việc áp dụng pháp luật về THAHC tại các cơ quan THADS địa phương, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, góp phần đảm bảo chấp hành đúng pháp luật và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THAHC.

Đặc biệt, hệ thống THADS cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với TAND trong việc chuyển giao bản án, quyết định đầy đủ, đúng thời hạn và trong phối hợp cung cấp số liệu kết quả xét xử án hành chính của TAND các cấp; đề xuất, kiến nghị với VKSND cùng cấp trong việc kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ việc hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi. Đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên không rõ, khó thi hành, các cơ quan THADS cần kịp thời kiến nghị Tòa án có thẩm quyền giải thích rõ ràng, cụ thể hoặc xem xét lại nhằm đảm bảo việc theo dõi THAHC của các cơ quan THADS kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm