Nhiều ưu điểm
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn điện từ khí LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Căn cứ vào quy hoạch này, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, PVN và PV GAS đang nỗ lực để nhập khẩu khí LNG, xây dựng cơ sở hạ tầng để tàng trữ, xây dựng dự án nhà máy điện khí LNG. Sự tiên phong của PV GAS trong việc nhập khẩu, tàng trữ, kinh doanh LNG được xã hội, cơ quan quản lý nhà nước và giới chuyên gia ghi nhận, đánh giá cao.
Theo ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau Hội nghị Liên Hợp quốc năm 2015 về biến đổi khí hậu (COP21), nhu cầu LNG trên thế giới tăng đáng kể. Theo thống kê, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.
Ông Bùi Quốc Hùng cho rằng, điện khí LNG có nhiều ưu điểm, là nguồn điện lớn có khả năng vận hành ổn định, hiệu suất cao (có thể đạt trên 62%) có khả năng bù đắp thiếu hụt công suất tức thời cho hệ thống do các nhà máy điện khí có khả năng khởi động nhanh. Điện khí cũng có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx. Vì vậy, xu hướng chuyển dịch sang nhiệt điện khí LNG trong bối cảnh Việt Nam vừa có các cam kết rất mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 là tất yếu và không thể đảo ngược. “Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay”, ông Bùi Quốc Hùng nhận định.
Chuyên gia hiến kế giải quyết khó khăn
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa, nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế, điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh, điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
Do đó, phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát.
Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần sớm khắc phục những trở ngại khi đưa khí LNG vào sản xuất điện như thủ tục kinh doanh loại khí này ở Việt Nam, các điều khoản về hợp đồng mua bán điện, các vấn đề về bao tiêu sản phẩm…
Đồng quan điểm trên, theo TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, để phát triển điện khí LNG ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tháo gỡ một số khó khăn. Cụ thể, các nhà đầu tư không thể thống nhất được hầu hết các điều khoản pháp lý, kinh tế và thương mại trong các dự án. Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề chưa được xem xét, thống nhất như: Bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế; Bảo lãnh, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG; Ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn bỏ ngỏ; Cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm; Chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm; Cam kết về đường dây chuyển tải và đấu nối của dự án…
TS Nguyễn Quốc Thập cho biết, hiện các dự án điện khí LNG đang bị đình trệ và có nguy cơ chậm thực hiện được theo Quy hoạch và các mục tiêu đã đề ra. Do đó, cần sớm ban hành các cơ chế để các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện, được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa…
Cùng với đó, điều chỉnh Điều lệ và Quy chế tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và PVN để họ có đầy đủ cơ sơ pháp lý để cam kết và thế chấp với các chủ thể trong Hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện; Thực hiện bảo lãnh, bảo đảm cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ, còn tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.