Hôm nay (23/12), UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Cơ hội và giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh TP Hà Nội” nhằm nhận diện các cơ hội và thách thức trong việc phát triển các đô thị vệ tình, từ đó đề xuất được các giải pháp thúc đẩy thu hút các nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, tạo khâu đột phá của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Giảm tải cho đô thị trung tâm phát triển
TS.Nguyễn Hồng Sơn – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH cho biết, Hà Nội sẽ phát triển 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Sóc Sơn.
Theo TS.Phạm Sỹ Liêm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, chức năng chính của các đô thị vệ tinh là giảm tải cho đô thị trung tâm để nó khỏi phình ra quá lớn đến mức dị dạng với các “căn bệnh đô thị”.
Vì vậy, các đô thị vệ tinh sẽ giải quyết bất cập giữa việc gia tăng áp lực vào đô thị trung tâm đảm bảo tỷ lệ dân đô thị nhưng phải đảm bảo kiểm soát dân số đô thị trung tâm, hạn chế phát triển dân số khu vực nội đô.
Với quy mô dân số của Hà Nội, việc xây dựng đô thị vệ tinh với quy mô tổng dân số khoảng 1,3 triệu người, cùng hàng chục khu đô thị mới là một giải pháp cần thiết và hiệu quả để đạt được các mục tiêu dân số của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020-2030, dân số thành thị Hà Nội khoảng 6-6,2 triệu người.
Đô thị trung tâm TP dự kiến dân số khoảng 4,6 triệu người (năm 2030) gồm: khu vực nội đô, chuỗi đô thụ phía Đông vành đai 4 và chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng.
|
Hà Nội sẽ phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải các áp lực dân cư, giao thông… |
Đô thị vệ tinh được phát triển để giảm áp lực về hạ tầng và giảm ô nhiễm môi trường đối với khu vực nội đô TP Hà Nội. Số lượng xe cơ giới của TP đã tăng nhanh trong những năm qua.
Tính đến tháng 9/2016 Hà Nội có 5,4 triệu xe máy, 600.000 ô tô, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô cùng hàng trăm nghìn xe máy vãng lai… là nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên.
Tuy nhiên, đến nay Hà Nội chưa có đầy đủ hệ thống quy hoạch các đô thị vệ tinh trong khi còn khó khăn trong huy động các nguồn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, các đô thị vệ tinh của Hà Nội chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đô thị, các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Đó là những khó khăn cho quá trình xây dựng và phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội theo Quy hoạch.
Không để đô thị trung tâm thành “đô thị đầu to”
TS.Phạm Sỹ Liêm lưu ý, để có chất lượng sống tốt thì đô thị vệ tinh phải là đô thị hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng, còn để phồng binh thì phải có động lực phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của hệ thốn thị trường.
Vì vậy, thực hiện ý tưởng về việc phát triển không gia đô thị hà nội theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, một số tuyến giao thông quan trọng kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh đã được đầu tư hoặc nâng cấp, một số dự án lớn, trọng điểm được khởi động.
Nhưng nhìn chung tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và việc hình thành, phát huy vai trò của các đô thị vệ tinh còn rất hạn chế.
“Đó cũng là một nguyên nhân làm cho việc thực hiện chủ trương giãn dân, giảm tải cho khu vực nội đô nhiều năm qua không thực hiện được” – TS.Lê Văn Hoạt – nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhận định.
Do đó, để phát triển được các đô thị vệ tinh, TS.KTS.Nguyễn Trúc Anh – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, trong đó có các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh.
Thu hút người dân di chuyển khỏi đô thị trung tâm, tạo ra sức hút làm người dân di chuyển từ các khu vực khác về đô thị vệ tinh sinh sống, dần tạo ra các trung tâm mới.
Các chuyên gia khẳng định, nguồn lực để Hà Nội phát triển các đô thị vệ tinh có thể được lấy từ chính nguồn lực đất đai (quỹ đất dôi dư ở đô thị trung tâm khi các cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế, khu dân cư… di chuyển khỏi nội đô).
|
Giao thông cần “đi trước một bước” để phát triển được các đô thị vệ tinh của Hà Nội |
Cùng với đó, Hà Nội phải phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Đây là một “bài toán” không dễ giải cho chính quyền Hà Nội vì đòi hỏi rất nhiều về nguồn lực.
Hiện gần như chưa có các tuyến kết nối hướng tâm hoàn chỉnh, mới đầu tư được các đường vành đai. KTS.Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho rằng, các tuyến xe buýt sẽ giúp kết nối các đô thị về tinh và đô thị trung tâm và giữa các đô thị vệ tinh với nhau.
Quản lý vành đai xanh hiện đang chiếm 70% đất tự nhiên, gồm ngăn chặn quá trình đô thị hóa, giữ gìn đất nông nghiệp và bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt, KTS.Trần Huy Ánh lưu ý, để đô thị vệ tinh phát triển thì phải tách ra khỏi đô thị trung tâm.
Để các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm dính không liền với nhau thành “đô thị đầu to”, phát triển theo “vết dầu loang” thì cần quy hoạch vùng giãn cách/cấm xây dựng với những quy định ngặt nghèo.