Cơ hội cho làng nghề truyền thống
Ngày 30/10/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã ban hành Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam với mục tiêu chung là thống nhất nhận thức, quan điểm và cơ bản định vị được thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Quyết định trên là minh chứng rõ nét cho thấy du lịch cộng đồng không chỉ là xu hướng toàn cầu mà đang trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của nước ta.
Đáng chú ý, với mục tiêu phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề truyền thống và giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Du lịch cộng đồng được đánh giá sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời đa dạng hóa ngành nghề tại địa phương, cải thiện sinh kế cho cộng đồng, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.
Tại Bắc Giang, ngành du lịch tỉnh trong những năm qua không ngừng khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, từ đó xây dựng các tour du lịch văn hóa Hà Nội - Bắc Giang đặc sắc, hấp dẫn du khách. Trong đó, du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống và các sản phẩm nông nghiệp được xác định là một trong bốn sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh.
Đơn cử trong đó là làng cổ Thổ Hà (thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 45km. Làng được đánh giá là một trong những điểm đến tiềm năng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhờ sở hữu hệ thống di sản phong phú, với nhiều giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, làng còn nổi bật với sản phẩm làng nghề truyền thống làm bánh đa được địa phương chú trọng bảo tồn và phát triển. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên quý giá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây.
Đến với làng cổ Thổ Hà, du khách sẽ có cơ hội trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất bánh đa dừa nướng, bánh đa nem. Đồng thời trải nghiệm những nét văn hóa sinh hoạt độc đáo của cộng đồng bản địa, như thưởng thức các làn điệu quan họ ngọt ngào hay tham gia mâm cơm cộng đồng ấm cúng. Những hoạt động này không chỉ quảng bá và bảo tồn nghề truyền thống địa phương, mà còn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế cho người dân, khẳng định giá trị bền vững của du lịch cộng đồng nói riêng và ngành du lịch nói chung tại Bắc Giang.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển
Tuy nhiên, dù sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và các hoạt động độc đáo nhưng thực tế cho thấy mô hình du lịch cộng đồng tại làng cổ Thổ Hà vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Tình trạng này còn phổ biến ở nhiều làng nghề truyền thống hay các bản làng dân tộc thiểu số ở các địa phương khác khi có không ít sản phẩm du lịch cộng đồng chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Lý giải về tình trạng trên, nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính người dân địa phương. Mô hình du lịch cộng đồng đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng, nhưng dù đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tập huấn, định hướng, hỗ trợ nhưng người dân tại nhiều nơi vẫn còn khá mơ hồ về cách thức triển khai hoạt động du lịch. Đương nhiên, nếu không hiểu rõ bản chất và quy trình thực hiện, việc phát triển du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Trần Thị Ngân Giang - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Đại Việt cho rằng, mặc dù nhiều địa phương có tiềm năng lớn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhưng việc các làng nghề và cộng đồng dân cư tại đó chưa biết cách làm du lịch dẫn đến việc mô hình này chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng. Bên cạnh đó, những yếu tố như cơ sở hạ tầng thiếu kết nối và chưa hoàn chỉnh, hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, chiến lược quảng bá thương hiệu du lịch chưa hiệu quả, cùng với thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp đều là những nguyên nhân cản trở việc khai thác tối đa tiềm năng du lịch cộng đồng.
Do đó, để có thể phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống và giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, đồng thời mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân, trước tiên cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước, nhằm tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng. Tiếp theo, cần nâng cao năng lực và nghiệp vụ cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch, bao gồm hỗ trợ và đào tạo chuyên môn để họ có thể tổ chức, quản lý và khai thác điểm đến hiệu quả.
Chỉ khi khắc phục được những tồn tại và hạn chế, tìm ra hướng đi và cách làm đúng, du lịch cộng đồng mới có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.