Phát triển hạ tầng đô thị làm động lực phát triển kinh tế, tăng tính kết nối vùng

(PLVN) - Sáng nay - 14/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Báo Xây dựng đã phối hợp tổ chức Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023”. 
Toàn cảnh Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023.
Toàn cảnh Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.

Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn GPD của đất nước. Luôn chiếm trên 6% thời điểm trước 2 năm Covid-19.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng còn một số vấn đề bất cập, như một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình, dự án còn chậm; nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định, thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Riêng đối với lĩnh vực hạ tầng đô thị, thực tế tại các địa phương cũng cho thấy, công tác quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải.

Ông Trần Hoài Anh– Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, những thập niên vừa qua, với chính sách đổi mới, hội nhập cùng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế đất nước, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị từng bước được cải thiện.

Ông Trần Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng).

Ông Trần Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng).

Thực tế ở nước ta, khu vực đô thị đã và đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm cũng là nơi tập trung nhiều đô thị lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đã đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách cả nước.Tuy nhiên, đô thị hóa đôi khi không thực sự đồng nghĩa với tăng trưởng đô thị.

Mặc dù hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, cầu, các cảng hàng không được đầu tư, nâng cấp, cải tạo; Hạ tầng cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải đô thị, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều được quan tâm đầu tư cải tạo và xây dựng mới nhưng việc triển khai còn chậm.

“Về tổng thể, năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn. Quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu tính đồng bộ…” – ông Trần Hoài Anh nhìn nhận.

Vì vậy, trước những yêu cầu từ thực tiễn quản lý phát triển đô thị nói chung và hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng, đại diện Bộ Xây dựng, ông Trần Hoài Anh đề xuất, trong thời gian tới cần rà soát lại các định hướng, chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, xác định các chỉ tiêu phù hợp với thực trạng và tiềm năng phát triển; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị…

Bên cạnh đó, cần tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cần có nguồn lực đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, cấp bách. Ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực của hệ thống hạ tầng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe tại các đô thị. Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị.

“Đặc biệt, cần nâng cao năng lực tiếp cận, áp dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật” - ông Trần Hoài Anh nói.

Đọc thêm