Phát triển mô hình thành phố sáng tạo

(PLVN) - Trên thế giới, mỗi thành phố sáng tạo đều nhìn nhận văn hóa là trụ cột trong chiến lược phát triển chứ không chỉ là một “phụ kiện”.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phấn đấu có từ 1-3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc.

Có thể nói, nền ẩm thực Việt Nam đã được xuất hiện trên nhiều báo quốc tế lớn như CNN, Guardian, New York Times; từng được trao danh hiệu “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á” tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2019; từng được chuyên gia marketing nổi tiếng Phiip Kotler gọi là “Bếp ăn của thế giới” vào chuyến thăm Việt Nam lần đầu năm 2007… Điều đó cho thấy ẩm thực nước ta đã có một vị trí trên bản đồ ẩm thực thế giới. Và câu hỏi đặt ra là liệu nước ta sẽ có một thành phố sáng tạo nào ở lĩnh vực ẩm thực hay không?

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Vận hành xuất sắc trong ngành Nhà hàng - Ẩm thực (AFBS 2021) diễn ra trong tháng 11/2021, bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch đã nhấn mạnh: “Ẩm thực là thế mạnh để làm nên thành công của ngành Du lịch Việt Nam, đôi khi cũng là động cơ và mục đích du lịch của khách thông qua các danh hiệu lớn”.

Tổng cục Du lịch cũng đã xác định, dịch vụ ẩm thực tạo nên chất lượng và thương hiệu du lịch nhằm quảng bá điểm đến, thu hút khách, tạo doanh thu, xây dựng nguồn chất lượng cao và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Nói cách khác, nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương.

Đơn cử, để đẩy mạnh truyền thông mở cửa đón khách du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch chính thức triển khai Chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên “Live fully in Vietnam”, nhằm thu hút du khách quốc tế đến để có trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam. Trong đó, ẩm thực chính là “điểm nhấn” quan trọng để hấp dẫn du khách, với các món ăn đặc sản như nhum biển, gỏi cá trích, cua Hàm Ninh, tôm mũ ni, cá sòng nướng, …

Sau dịch bệnh, nền du lịch và ẩm thực trên cả thế giới đều đối mặt với khó khăn, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ông Chử Hồng Minh - nhà sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) cho biết, làn sóng COVID-19 thứ 4 đã “nhấn chìm” rất nhiều doanh nghiệp nhà hàng, ẩm thực. Hơn 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ 50 – 70% doanh thu trong suốt 2 năm qua.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải vượt qua nếu muốn hiện thực hóa khát vọng trở thành “bếp ăn của thế giới”, hay để đạt được mục tiêu có ít nhất một thành phố sáng tạo UNESCO tại lĩnh vực ẩm thực.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Bình, đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cần phải nhìn nhận ở góc độ ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh ẩm thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các cơ sở chưa nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng nguồn nguyên liệu là động thực vật quý hiếm (thuộc danh mục Sách Đỏ).

Hơn bao giờ hết, để ngành ẩm thực Việt Nam có thể tồn tại và phát huy những tiềm năng và lợi thế riêng, sức sống của các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực là yếu tố thiết yếu. Để phát triển trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại; đồng thời phát triển những tư duy mới, công cụ mới.

Đọc thêm