Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trường dự bị đại học dân tộc là trường chuyên biệt nhằm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là giải pháp cần thiết để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số. Những cơ sở đào tạo này đã và đang tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, đất nước .
Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Vai trò của hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc

Nhận thấy tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), ngày 15/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 52/NQ - CP về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS & MN giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định “phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước”.

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng đến năm 2030 là “nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực còn hạn chế để từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Một trong những khâu then chốt được xác định để thực hiện mục tiêu này chính là phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số vì nhân lực được xem là một yếu tố có tính chiến lược, quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội...

Bộ Trưởng - Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.
Bộ Trưởng - Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.

Trên thực tế, các vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta có chất lượng nguồn nhân lực, trình độ học vấn thấp nhất cả nước. Lao động dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật rất thấp, phần lớn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề; nhận thức, kĩ năng sống, khả năng thích ứng với môi trường còn nhiều hạn chế... Thực tế này đang tạo ra nhiều thách thức cho việc phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và miền núi. Chính vì thế, chỉ có phát triển nguồn nhân lực DTTS mới giúp cho kinh tế vùng DTTS & MN phát triển bền vững.

Theo Dự án Điều tra cấp Bộ “Điều tra đánh giá nhu cầu bồi dưỡng hệ Dự bị Đại học phục vụ cho công tác tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương thực hiện tại 4 tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang cho thấy, nhu cầu bồi dưỡng dự bị đại học của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở cấp THCS và THPT là rất lớn. Đối với học sinh bậc THPT nhu cầu được bồi dưỡng hệ dự bị đại học là 94%, học sinh bậc THCS là 90.6%.

Bộ Trưởng - Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Ban Giám hiệu Trường DBĐH Dân tộc Trung ương tại một sự kiện của trường.

Bộ Trưởng - Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Ban Giám hiệu Trường DBĐH Dân tộc Trung ương tại một sự kiện của trường.

Trong nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực DTTS & MN, chính sách bồi dưỡng hệ dự bị đại học cho học sinh là người DTTS & MN đã góp phần to lớn trong đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS & MN suốt thời gian qua. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Những thông tin trên cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện cả nước hiện có 5 trường dự bị đại học dân tộc trực thuộc Ủy ban Dân tộc, gồm: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương; Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn; Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang; Trường Dự bị Đại học TP HCM; Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Các trường đã và đang thực hiện tốt việc đào tạo sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu bức thiết về đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số và miền núi.

Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng hệ dự bị đại học

TạiDự án Điều tra cấp Bộ “Điều tra đánh giá nhu cầu bồi dưỡng hệ Dự bị Đại học phục vụ cho công tác tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, qua điều tra khảo tại tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn là 2 tỉnh có số học nhu cầu được bồi dưỡng hệ dự bị đại học của các địa phương còn cao. Các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La... là những tỉnh có số học sinh vào học hệ dự bị đại học thấp, nhưng nhu cầu học dự bị sẽ còn rất lớn, bởi nếu được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng thời công tác truyền thông của các cơ sở giáo dục DBĐH được đẩy mạnh thì chắc chắn các đối tượng học sinh người dân tộc thiểu số tại các địa phương này sẽ có cơ hội tiếp cận với chính sách bồi dưỡng dự bị đại học trong giai đoạn tới.

Để các trường dự bị đại học nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt những vùng khó khăn, nhóm nghiên cứu Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đã đề xuất 1 số giải pháp nâng cao chất lượng hệ dự bị đại học như: Không ngừng đổi mới quản trị nhà trường, nâng cao chất lượng bồi dưỡng hệ dự bị đại học đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong tình hình mới.

Đổi mới năng lực bồi dưỡng: đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, kĩ thuật dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá bám sát yêu cầu, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình bồi dưỡng.

Có mối quan hệ mật thiết với các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN để tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ sở dự bị đại học và địa phương trong công tác tuyển sinh, bồi dưỡng và xét chuyển hệ dự bị; Nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục dân tộc trong tình hình mới.

Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, địa phương khảo sát, kiểm định chất lượng đầu vào, đầu ra, vị trí việc làm... của các đối tượng đã được bồi dưỡng hệ dự bị đại học, đại học nhằm đánh giá khách quan năng học người học, chất lượng bồi dưỡng, đào tạo của hệ dự bị đại học và đại học.

“Trong thời gian tới, nhu cầu bồi dưỡng hệ dự bị đối với học sinh DTTS, đặc biệt học sinh DTTS vùng đặc biệt khó khăn sẽ còn rất lớn, yêu cầu hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc cần thực hiện tốt hơn nữa tất cả các phương diện của nhà trường để góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS&MN”, Chủ nhiệm dự án kiến nghị.

Đọc thêm