Phát triển, quản lý cây xanh trong đô thị: Cây xanh sống nhờ đâu?

(PLO) -Cây xanh từ lâu được biết đến là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên cấu trúc đô thị, góp phần điều hòa không khí, giảm tiếng ồn. Để cải thiện cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường, mới đây Nghị định 139/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/1) đã chính thức đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, quanh Nghị định này hiện dư luận vẫn còn không ít băn khoăn, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, trồng và bảo vệ cây xanh. 
Phát triển, quản lý cây xanh trong đô thị: Cây xanh sống nhờ đâu?

Còn nhiều băn khoăn

Nhằm cải thiện cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường, mới đây Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã đưa ra nhiều mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa. Cụ thể, theo Điều 53 của Nghị định, sẽ tiến hành phạt cảnh cáo từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ.

Mức phạt này cũng áp dụng với các hành vi như: xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa…

Đặc biệt, sẽ xử phạt nặng với số tiền 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định; trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế… Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định. Ngoài phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Như vậy, văn bản quy phạm liên quan đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện diện tích cây xanh đô thị của Hà Nội, trong đó bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên - vườn hoa… dường như vẫn đang bị “bỏ quên”. Nói cách khác, do chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng nên tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Dễ thấy nhất là tình trạng các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh..., đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm. 

Ngoài ra, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với tình trạng cây xanh không phù hợp với không gian đô thị. Cây xà cừ là một ví dụ. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 4.000 cây xà cừ. Loại cây này được trồng nhiều trên các  phố như: Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, đường Láng... Mặc dù có ưu điểm là tán lá rậm, xanh, cành nhiều, tuy nhiên, trong không gian đô thị, loại cây này không thuộc nhóm cây khuyến nghị trồng thêm bởi đây là loại cây có rễ nổi, khi phát triển sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, không gian vỉa hè và mỹ quan đô thị. Đặc biệt, đây cũng là loại cây dễ gãy, đổ mỗi khi mưa bão.

Dẫn như vậy để thấy rằng, nếu chiếu theo một số quy định của Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì nhiều cây xà cừ thuộc phố Kim Mã (đoạn Công viên Thủ Lệ) hiện được chăm sóc tại các vườn ươm sẽ đối mặt với nguy cơ không thể tiếp tục “hồi sinh” trong khuôn viên đô thị như Hà Nội. 

Cây hoa sữa cũng là loại cây đang được cân nhắc khi trồng nhiều ở đô thị. Mặc dù cây hoa sữa gắn với hình ảnh Hà Nội nhưng mùa hoa sữa nở rộ cuối năm ngoái đã cho thấy, khi trồng cây này tại đô thị cần cân nhắc vì mùi hương của cây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Hiện, khoảng 100 cây phong lá đỏ đã được trồng ở dải phân cách giữa con phố Trần Duy Hưng. Trước đó, thành phố chưa trồng thử nghiệm loại cây này ở vườn ươm hay công viên.

Đồng đều, đồng bộ và đa dạng

Khách quan nhìn nhận, để phát triển không gian xanh, hướng đến thành phố xanh, thành phố đã thực hiện chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020. Toàn thành phố đã trồng được khoảng 500.000 cây, góp phần xây dựng môi trường xanh, cải thiện không khí và tạo cảnh quan đô thị. Những loại cây mới được đưa vào trồng gồm phong lá đỏ, hoa ban, long não, cọ dầu, chà là, giáng hương...Với nguyên tắc đồng đều, đồng bộ và đa dạng, việc phát triển cây xanh hứa hẹn sẽ đi vào khuôn khổ.

Liên quan đến vấn đề này, theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, Hà Nội luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này làm cho Thủ đô đã có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường.

Ông Chính cũng cho rằng, việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố khác nhau có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau sẽ tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện với mục tiêu xây dựng Thủ đô là một thành phố xanh - sạch - đẹp.

Trở lại Nghị định 139/2017/NĐ-CP, khách quan nhìn nhận, quy định xử phạt các hành vi xâm hại cây xanh đô thị đã có từ lâu, tuy nhiên số trường hợp bị xử phạt chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Bởi trên thực tế, việc bắt quả tang để có căn cứ xử lý rất khó. Nói cách khác, hiện các trường hợp cây xanh bị xâm hại thường diễn ra ban đêm, hoặc lén lút lúc không có người. Hành vi phá hoại khá tinh vi, không làm cho cây chết ngay mà chết từ từ. 

Bên cạnh đó, những vi phạm như đóng đinh, lột vỏ, phóng uế... lại thường rơi vào những trường hợp vô ý, không nhận thức được đầy đủ hành vi của mình ảnh hưởng đến cây xanh đô thị như thế nào… 

Rõ ràng, việc tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP là hoàn toàn cần thiết. Đây có thể coi như một “đòn bẩy” để nâng cao ý thức của người dân trong việc trồng và bảo vệ cây xanh. Tuy nhiên, cây xanh sẽ thực sự được bảo vệ và phát triển khi có sự chung sức, đồng lòng của người dân. Để Nghị định từng bước đi vào cuộc sống, thời gian tới các ban ngành chức năng liên quan cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cây xanh, môi trường.

Đọc thêm