Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao - vì sao khó?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa thể thao của Nhân dân trên địa bàn dân cư; đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương.
Thiết chế văn hóa, thể thao góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (Ảnh minh họa - Nguồn: Bộ VH,TT&DL )
Thiết chế văn hóa, thể thao góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (Ảnh minh họa - Nguồn: Bộ VH,TT&DL )

Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng là nơi giao lưu - tiếp biến và quảng bá những giá trị văn hóa giữa các địa phương, vùng miền của đất nước, của nhân loại, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của đất nước, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển mạng lưới các thiết chế văn hóa, thể thao từ trung ương tới cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cụ thể, Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ “Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để Nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hoá”. Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 Chính phủ sẽ phê duyệt thời gian tới đây đều thể hiện sự quan tâm và tiếp tục khẳng định vai trò của thể chế, chính sách với nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó có thiết chế văn hóa, thể thao...

Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương, vẫn chưa thật sự coi phát triển văn hóa nói chung và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững đất nước. Điều này dẫn tới thực trạng dù quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở Chính phủ đã có quy hoạch, Bộ VH,TT&DL đã có tiêu chí hướng dẫn, nhưng hầu hết các địa phương, nhất là ở các đô thị, khu vực miền núi việc dành ra quỹ đất đúng tiêu chuẩn là vô cùng khó khăn. Cạnh đó kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp, mua sắm trang thiết bị của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống; nguồn nhân lực cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy vận hành của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở cấp xã, thôn nhìn chung còn ở mức thấp, nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa vừa thiếu, vừa yếu, cùng với đó là chế độ lương, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực này còn ở mức rất thấp khiến cho việc duy trì và chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở rất nan giải...

Vấn đề này một lần nữa được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đề cập tới tại Hội thảo Văn hoá 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá, thể thao” diễn ra ngày 12/5. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, công tác xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao chịu sự điều chỉnh của 2 nhóm, hệ thống pháp luật là pháp luật chuyên ngành và pháp luật liên quan trực tiếp. Trong đó, nhóm pháp luật liên quan tác động trực tiếp thì nội hàm của các văn bản này, cơ bản không có yếu tố đặc thù của thiết chế văn hóa, thể thao.

“Đơn cử như theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có loại tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, tài sản chuyên dùng…, tuy nhiên chưa có quy định chi tiết về tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao (ví dụ sân vận động Mỹ Đình chưa được quy định là tài sản kết cấu hạ tầng thể thao… do đó, chịu sự điều chỉnh của quy định về tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập như các tài sản thông thường khác). Do đó, để gỡ vướng, tháo “điểm nghẽn, nút thắt”, tạo nguồn lực phát triển bằng chính sách, khai thác, phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cần bắt đầu từ thể chế, chính sách, không chỉ bằng pháp luật chuyên ngành mà cả từ các văn bản pháp luật liên quan” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Để tháo gỡ vấn đề này, người đứng đầu ngành VH,TT&DL đề xuất giải pháp sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi hưởng thụ văn hóa; đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao mang tính đặc thù; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn...