Trong các giai đoạn phát triển của đất nước, kể cả thời kỳ khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được phát triển toàn diện.
Về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cho trẻ em, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em; ban hành một số luật liên quan như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự, Luật Giáo dục, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… có những quy định thể chế hóa quan điểm ưu tiên thực hiện quyền trẻ em. Chính phủ đã ban hành và thực hiện đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025; phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030...
Cùng với các kết quả tích cực đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển toàn diện trẻ em còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến vấn đề chăm sóc dinh dưỡng; cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non chưa được bao phủ toàn diện, nhất là một số nhóm trẻ có điều kiện khó khăn; tình trạng tai nạn, thương tích trẻ em; việc thực hiện quy định của Luật Trẻ em 2016 và trách nhiệm của HĐND các cấp chưa được thực hiện đầy đủ…
Khẳng định tầm quan trọng của phát triển trẻ em toàn diện, phát biểu tại Hội thảo, bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực và trên toàn cầu về phát triển toàn diện trẻ em; sớm phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em và thực hiện công ước này với những giải pháp tiến bộ.
Trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác cần nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), nhất là các mục tiêu liên quan đến trẻ em.
Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát các chương trình phát triển trẻ em và điều phối các nỗ lực hiệu quả hơn giữa các ngành, lĩnh vực; tăng cường cơ cấu, điều phối ở tất cả các cấp để cải thiện sự tích hợp dịch vụ; cải thiện hệ thống dữ liệu với các chỉ số thiết yếu về sự phát triển của trẻ nhỏ để theo dõi tiến trình và cung cấp thông tin cho việc hoạch định và thực hiện chính sách. Quốc hội tăng cường vai trò của cơ quan dân cử các cấp trong việc giám sát công tác hoạch định và thực thi chính sách về quyền trẻ em, đặc biệt việc phân bổ và sử dụng ngân sách…