Các bệnh lý về cột sống ngày càng phổ biến
Cột sống là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể con người, là bộ khung để giữ hình thái, nâng đỡ cơ thể, bảo vệ tủy sống. Khi cột sống bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, chấn thương, biến dạng hoặc dị tật sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, gây các triệu chứng như: cơ thể tê bì, đau nhức và vận động khó khăn. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các bệnh lý về cột sống ngày càng phổ biến do thói quen sinh hoạt như ngồi nhiều, ít vận động.
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý cột sống như dùng thuốc, tập vật lý trị liệu hay phẫu thuật. Trên thế giới hiện có nhiều phương pháp phẫu thuật cột sống, tùy theo tổn thương của từng bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, cột sống là một tổ chức rất phức tạp, phẫu thuật cột sống thường liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xung quanh.
Trong quá trình phẫu thuật, đòi hỏi bác sĩ vừa phải đảm bảo sự an toàn cho người bệnh, tránh làm tổn thương thêm cho tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu, lại vừa phải xử lý được tổn thương (thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, dị dạng, u đốt sống, chấn thương). Đồng thời tái tạo cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu thay thế như: nẹp vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo, nẹp silicon.
Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phẫu thuật bằng hệ thống chuẩn đoán hình ảnh O-arm. |
Do đó, hình ảnh trong phẫu thuật là rất quan trọng đối với phẫu thuật cột sống. Chẩn đoán hình ảnh tự động với công nghệ định vị không gian ba chiều đáng tin cậy để sử dụng trước, trong và sau khi phẫu thuật, giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân cũng như phẫu thuật viên. Điều này đảm bảo độ chính xác và an toàn trong phẫu thuật.
Giải pháp mới nhiều ưu việt trong phẫu thuật cột sống
Phương pháp sử dụng hệ thống O-arm kết hợp định vị Navigation giúp cung cấp hình ảnh chính xác trong phẫu thuật cột sống. Đây là một giải pháp tiết kiệm thời gian trong phẫu thuật cung cấp hình ảnh độ phân giải cao 3D cho phẫu thuật viên và tự động đồng bộ hình ảnh trên hệ thống định vị Navigation. Đặc biệt Hệ thống O-arm và Navigation với không gian 3 chiều cho phép định vị chính xác vị trí cần phẫu thuật, giảm thiểu tai biến.
Bởi vậy, đây được đánh giá là giải pháp chính xác hơn, nhanh hơn trong phẫu thuật cột sống, giảm liều tia tác động đến phẫu thuật viên và bệnh nhân. Việc kết hợp các dụng cụ và phần mềm chuyên dụng giúp tối thiểu hóa can thiệp lên cột sống, mang lại kết quả phẫu thuật tốt đẹp hơn.
Ở Việt Nam, hiện nay Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh) là hai bệnh viện công sử dụng hệ thống O-arm kết hợp định vị không gian ba chiều Navigation trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý cột sống.
Hệ thống O-arm được đưa vào thực hiện thí điểm đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 11/2016 và đã mang lại kết quả rất thành công. Tháng 8/2020 vừa qua, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống O-arm trong phòng mổ.
Theo BS CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, việc đưa vào sử dụng hệ thống O-arm và hệ thống dẫn đường không gian 3 chiều định vị chính xác trong phẫu thuật được coi là sự thay đổi vượt bậc trong phẫu thuật cột sống, mang lại niềm tin, sự an toàn và sức khỏe cho bệnh nhân.
Hình ảnh trước và sau phẫu thuật. |
“Chỉ sai lệch 1-2mm trong quá trình phẫu thuật cột sống có thể khiến cho bệnh nhận bị liệt, tàn phế suất đời, thậm chí tử vong…”- BS CKII Võ Đức Chiến nhấn mạnh. Do đó, việc ứng dựng hệ thống O-arm giúp cho bác sĩ tiến hành được các ca phẫu thuật bệnh lý cột sống cho người bệnh an toàn, hiệu quả hơn vì hệ thống này cung cấp hình ảnh không gian 3D với độ phân giải cao, toàn diện giúp cho bác sĩ phẫu thuật biết rõ chính xác vị trí cần can thiệp tại cột sống, nhằm tránh ảnh hưởng các tổ chức xung quanh.
TS. BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Kĩ thuật phẫu thuật cột sống dựa trên hình ảnh chụp O-arm và hệ thống định vị Navigation giúp ca phẫu thuật cột sống có độ chính xác cao, tránh được các rủi ro và biến chứng cho bệnh nhân sau phẫu thuật”.
Việc sử dụng O-arm cùng với hệ thống định vị phẫu thuật, độ chính xác về vị trí bắt vít cột sống lên đến 93% - 100% so với tỷ lệ từ 72% - 92% của phương pháp thông thường. Hơn nữa, hệ thống này còn rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân, với bệnh nhân bị cong vẹo cột sống được thực hiện phẫu thuật bằng O-arm sau 3 ngày đã có thể đi lại được bình thường.
Các đinh vít được định vị chính xác gần như tuyệt đối nhờ công nghệ dẫn đường mới. |
Cùng với đó chi phí điều trị cho người bệnh cũng giảm rất nhiều, hiện tại Thái Lan, Singapore, một ca phẫu thuật cong vẹo cột sống bằng hệ thống O-arm có giá khoảng 350 triệu đồng, trong khi tại nước ta chưa tới 100 triệu đồng.
Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, lĩnh vực y tế thông minh cũng là một vấn đề được cả thế giới quan tâm. Trải qua các giai đoạn phát triển, lĩnh vực y tế với sự hỗ trợ của máy móc ngày càng phát triển, có những bước nhảy vọt, nhờ đó mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh và tiện dụng cho nhân viên y tế.
Ở Việt Nam, Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025 đã được Bộ trưởng Y tế phê duyệt nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong ngành y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Trong đó ưu tiên việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của y tế thông minh.