Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm để xem xét lại tội danh và hình phạt của 3 bị cáo Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung và Bùi Hải Bài vì những nghi vấn chưa được làm sáng tỏ.
“Thoát chết” một lần…
Trong phiên tòa phúc thẩm lần trước, diễn ra hồi đầu năm 2011, bị cáo Nguyễn Tiến Chung và Nguyễn Tiến Phương và Bùi Hải Bài đều được giảm án. Trong đó, hai anh em Chung và Phương đã thoát án tử hình mà TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên. Bị cáo Nguyễn Tiến Phương phải chịu mức án 20 năm tù.
Vụ án tưởng đã an bài với một kết thúc vẫn còn gây tranh cãi vì nhiều luật sư cho rằng, Nguyễn Tiến Phương và Bùi Hải Bài bị oan khi bị truy tố và buộc tội về tội “giết người”. Nhưng, ngày 3/8/2011, Chánh án TANDTC đã có Quyết định kháng nghị số 20/2011/QĐKN-HS đối với bản án hình sự phúc thẩm số 21/2011/PTHS của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội về phần trách nhiệm hình sự đối với 3 bị cáo này. Dư luận một lần nữa hy vọng chân dung của bị cáo Nguyễn Tiến Phương là một “doanh nhân” vùng biên hay ông trùm “xã hội đen” và những chứng cứ buộc tội, gỡ tội sẽ được làm sáng tỏ.
Trở lại nội dung vụ án, cuối tháng 5/2009, anh Lê Hữu Vinh (biệt danh là Vinh “trắng”, người mới đây đã bị gài mìn cho nổ xe) là Phó Giám đốc Cty TNHH Hồng Kông xin ông Phương cho sử dụng đường đi nhờ qua xã Hải Sơn để xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc nhưng ông Phương không đồng ý vì đang làm cầu đường.
Chiều ngày 30/5/2009, Lê Hữu Vinh cùng một nhóm người, trong đó có Lê Văn Điệp, Nguyễn Minh Trí (là bị hại trong vụ án) đi 2 xe ô tô vào Trạm biên phòng thuộc xã Hải Sơn để xin xuất hàng qua biên giới tại bến Lục Chắn và đã được trạm Biên phòng chấp thuận. Sau đó, Vinh đã để 3 nhân viên của mình là Điệp, Trí và Chiến ở lại bến Lục Chắn chờ xuống hàng còn Vinh và nhân viên khác đi xe ô tô quay về TP Móng Cái.
Cùng thời điểm đó, ông Nguyễn Tiến Phương được lái xe báo tin có một số đối tượng lạ mặt đang ngăn cản không cho các xe ô tô của Cty Quang Phát xuất hàng. Phương đã chỉ đạo Hải Bài gọi điện cho người lên giải quyết. Ông Bài đã gọi điện cho Khổng Thanh Thu nhưng Thu không lên được vì bị ốm nên Nguyễn Tiến Chung được báo để đưa người lên giải quyết sự việc.
Lúc đó, Chung báo cho Nông Văn Môn yêu cầu đưa thêm người lên khu vực Lục Chắn. Không lâu sau, các “đàn em” của Chung là Nông Văn Môn, Vũ Huy Đô, Ty Tuấn Luân có mặt. Nhóm người này có mang theo súng.
Khi hai nhóm người của Cty Hồng Kông và Cty Quang Phát gặp nhau, câu trước câu sau đã xảy ra xung đột. Hậu quả là Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí bị thương.
Sau khi sự việc này được báo cho Nguyễn Tiến Phương biết, Phương đã đưa cho Nguyễn Tiến Chung 20 vạn nhân dân tệ để chữa trị cho anh Điệp và Trí. Vì vậy, nhóm người của Nguyễn Tiến Chung đã đưa hai người bị thương sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi sang đến Trung Quốc thì một trong hai người đã bị chết nên nhóm của Nguyễn Tiến Chung đã dùng luôn tiền mà Phương đưa để thuê người Trung Quốc “khử” nốt người còn lại.
Phía sau lời khẩn cầu của gia đình bị hại
Với sự việc trên, hai anh em Nguyễn Tiến Chung và Nguyễn Tiến Phương cùng bị khởi tố, bắt giam và xét xử về tội “giết người”, trong đó, Nguyễn Tiến Phương bị quy kết là người tổ chức để các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Hai bị cáo này đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt mức án cao nhất là “tử hình”.
Nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình các bị hại đã đệ đơn xin giảm hình phạt cho các bị cáo, đặc biệt là anh em bị cáo Phương vì họ không gây ra cái chết cho các nạn nhân. Đặc biệt, các luật sư đã có các chứng cứ, lý lẽ “nặng ký” để chứng minh về sự không liên quan của bị cáo Phương và bị cáo Bài đến cái chết của hai bị hại trên đất Trung Quốc.
Theo Luật sư Chu Mạnh Cường, bị cáo Phương bị truy tố về tội giết người vì đã đưa 20 vạn Nhân dân tệ cho Chung là chưa thỏa đáng. Nhưng dù lời khai của các bị cáo rất “khớp” nhau về mục đích Phương đưa tiền cho em để “đi chữa bệnh” cho người bị thương nhưng bị cáo Phương vẫn phải gánh tội giết người khi số tiền đó được người khác sử dụng trái mục đích.
Theo bị cáo Phương, việc nhóm người của Nguyễn Tiến Chúng đánh bị thương và sau đó thuê người “khử” anh Điệp và Trí là ngoài ý thức của bị cáo, bị cáo không biết và không chỉ đạo việc này. Một nhân chứng quan trọng chứng minh cho lời bị cáo Phương chính là Khổng Thanh Thu.
Sau khi sự việc xảy ra, Thu đã chứng kiến việc Chung báo cho Phương biết sự việc và Phương rất bất ngờ, tức giận chửi Chúng là “đồ ngu, mày giết cả nhà rồi, đi mà tự tử đi”. Lời khai này đã được các luật sư nêu rõ tại tòa để chứng minh sự vô can của “ông trùm – doanh nhân” Nguyễn Tiến Phương.
Bị cáo Bùi Hải Bài còn bị buộc tội thiếu thuyết phục hơn khi chỉ gọi người lên giải quyết vụ việc cản trở xuất hàng hóa nhưng lại bị quy kết trách nhiệm về tội giết người khi việc đánh, giết người đó bị cáo Bài không biết và cũng không can dự. Có lẽ vì các chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục nên cấp phúc thẩm đã đồng loạt giảm án cho Bùi Hải Bài và Nguyễn Tiến Phương.
Nhưng bản án “có hậu” cho gia đình ông Ninh, bố của bị cáo Phương và Chung đã bị kháng nghị để xem xét lại hình phạt của 3 bị cáo Phương, Chung và Bùi Hải Bải. Như vậy, Tòa cấp phúc thẩm một lần nữa cũng phải xem xét các chứng cứ của vụ án, trong đó có cả chứng cứ chứng minh các bị cáo bị oan theo nguyên tắc suy đoán vô tội đối với những tình tiết gây tranh cãi.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, một lần nữa cả hai gia đình bị hại đều nêu quan điểm không muốn gia đình Chung và Phương phải chịu đau đớn “như gia đình tôi đã từng phải chịu và xin miễn tội chết” cho các bị cáo. Ông Lê Văn Hạt, bố của bị hại Lê Văn Điệp cho rằng, các bị cáo chỉ là người “mắc mưu” do có kẻ đã sắp đặt “đẩy con tôi vào trận chiến, phải thế mạng”. Ông Hạt cũng đề nghị HĐXX làm rõ vai trò của Khổng Thanh Thu trong vụ án này, bởi Thu có quan hệ với Vinh “trắng”, đối thủ trực tiếp của hai anh em bị cáo Phương.
Tại phiên phúc thẩm ngày 6/7/2012, HĐXX cũng quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ nhiều nội dung, trong đó có vai trò của Khổng Thanh Thu và lời khai của nghi phạm này.
Nhóm PV