Phía sau những tấm biển “bảo hành 5 năm” trên quốc lộ 1 và 14

(PLO) - Sau khi hoàn thành một số gói thầu thuộc dự án nâng cấp 2 tuyến quốc lộ nói trên, Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) đã cho cắm nhiều biển với nội dung “bảo hành 5 năm” ven tuyến. Nhưng những dòng chữ này đã khiến nhà thầu phải đối mặt với nhiều phiền toái. Tại sao?
Đại diện nhà thầu Sơn Hải cho biết, việc họ cam kết “bảo hành 5 năm” được Bộ Giao thông Vận tải hoan nghênh
Đại diện nhà thầu Sơn Hải cho biết, việc họ cam kết “bảo hành 5 năm” được Bộ Giao thông Vận tải hoan nghênh
Yêu cầu tháo biển trên Tây Nguyên
Là một nhà thầu xây lắp ở tỉnh lẻ miền Trung nhưng Tập đoàn Sơn Hải đã hoàn thành Gói thầu số 6  thuộc Dự án nâng cấp quốc lộ (QL) 14 (đoạn  qua huyện Đắk Song, Đắk Nông) một cách nhanh chóng, thậm chí trước cả tiến độ dự kiến. Gói thầu này sau đó đã được nhà thầu cho cắm biển “Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 5 năm” trên tuyến. 
Theo ông Ngô Văn Thông, Giám đốc điều hành Gói thầu số 4-5-6 thuộc Dự án nâng cấp mở rộng QL14 đoạn qua Đắk Nông, việc cam kết bảo hành công trình 5 năm là có cơ sở vì Tập đoàn Sơn Hải đã khẳng định được năng lực, uy tín của mình trong quá trình thi công nhiều công trình giao thông trong cả nước cũng như tại gói thầu này. Việc cam kết bảo hành không những chứng tỏ năng lực mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà thầu đối với công trình phục vụ dân sinh.
“Tuy nhiên mới đây, trong quá trình nghiệm thu, chuẩn bị bàn giao dự án này, Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã yêu cầu nhà thầu phải tháo toàn bộ số biển đã cắm ở mép QL14. Cục Quản lý đường bộ III yêu cầu nếu đặt biển thì phải xin phép. Hơn nữa, họ cho rằng nội dung trong những tấm biển này mang tính quảng cáo chứ không phải là biển báo giao thông đường bộ” – ông Thông cho biết thêm.
Trong khi đó, trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng: “Việc cắm những tấm biển nói trên thể hiện rõ tính chịu trách nhiệm cao và đến cùng của nhà thầu đối với công trình. Cụ thể là, phải bảo hành đường trong suốt một thời gian khá dài sau khi nó đã được nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng”.
Bị phá đường ở miền Trung?
Cũng như Gói thầu số 6 trên địa bàn Tây Nguyên, tại một số gói thầu thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua Quảng Bình, sau khi thi công xong, Tập đoàn Sơn Hải cũng cho cắm một số biển với nội dung “Đoạn QL1A Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 5 năm”.
Sau khi những tấm biển này được cắm trên tuyến, ngày 24/6 Tập đoàn Sơn Hải đã có báo cáo gửi Công an tỉnh Quảng Bình và Sở GTVT Quảng Bình (chủ đầu tư dự án) về nghi vấn có kẻ phá hoại đường giao thông thuộc dự án nói trên. Cụ thể, nhà thầu này phát hiện được 8 điểm thuộc hai Gói thầu số 10 và 14 có dấu hiệu mặt đường bê tông nhựa bị tưới hóa chất. Tại những vị trí này, bê tông nhựa bị nhũn ra khi có xe tải trọng lớn đi qua. 
Liên quan đến việc này, ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông hôm qua (29/6) cho hay: “Bộ cũng đã nắm được thông tin trên. Tuy nhiên, sự việc đã được nhà thầu và Sở GTVT Quảng Bình thông báo với Công an tỉnh. Vì vậy, hãy chờ kết quả giám định, điều tra cuối cùng xem chất đọng lại trên mặt đường là gì, có phải là hóa chất hay không và việc nó rơi xuống mặt đường là hành vi vô ý hay cố tình phá hoại kết cấu hạ tầng...”.
Cùng ngày, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hải nhận định: “Đây là hành vi phá hoại tài sản mà cụ thể đó là tài sản của Nhà nước. Hiện, Công an tỉnh Quảng Bình và Công an huyện Bố Trạch đang phối hợp để làm rõ sự việc”. 
Giải thích về sự xuất hiện của những tấm biển “Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 5 năm” đang được cắm ven QL khiến cơ quan quản lý đường bộ yêu cầu phải tháo dỡ, ông Hải khẳng định: “Những tấm biển đó thể hiện rõ trách nhiệm của chúng tôi đối với các dự án do chính chúng tôi thi công. Mặt khác, thông tin trên các biển này còn giúp cho cơ quan có thẩm quyền, người dân và xã hội biết, giám sát việc thực hiện cam kết của nhà thầu. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng rất ủng hộ việc này và quan điểm của chúng tôi là vẫn giữ các tấm biển đó”.
Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến QL1A đoạn qua miền Trung và đặc biệt là trên QL14 không có nhà thầu nào dám căng biển bảo hành công trình tới 5 năm (Bộ GTVT chỉ yêu cầu 4 năm) như nhà thầu Sơn Hải nên theo dư luận, những tấm biển này bị một số nhà thầu khác cho là “chơi trội”, và không hài lòng do phải mất thêm chi phí để kéo dài thời hạn bảo hành? 
“Tấm biển đó thể hiện trách nhiệm của chúng tôi đối với  dự án do chính chúng tôi thi công. Mặt khác, thông tin trên các biển còn giúp cơ quan có thẩm quyền, người dân biết, giám sát việc thực hiện cam kết của nhà thầu. Lãnh đạo Bộ GTVT rất ủng hộ việc này và quan điểm của chúng tôi là vẫn giữ các tấm biển đó” - ông Nguyễn Viết Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hải.

Đọc thêm