Gắn liền với nhà Tây Sơn
Chợ Gò họp trên một gò đất dưới chân núi Trường Úc, cạnh bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại. Nơi đây đã sinh thành và nuôi dưỡng nên hồn thơ Xuân Diệu, ông tổ hát bội Đào Tấn, những người con đã làm rạng danh miền “đất võ trời văn” Bình Định.
Nói là chợ Gò nhưng thật ra chỉ là bãi đất trống rộng, không một cửa hiệu, túp lều, các ngày trong năm cũng không nhóm chợ, mà chợ chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Âm lịch.
Theo những bậc cao niên trong vùng, từ thuở ấu thơ, các cụ đã được ông bà, bố mẹ dắt đi chợ trẩy lộc đầu năm, chứng kiến cảnh nhộn nhịp đông vui của chợ Gò ngày Tết.
Tương truyền, chợ Gò có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Đây là chỗ tập trận của đội quân áo vải. Bộ binh đóng đồn trên núi Trường Úc, thủy quân ở đầm Thị Nại. Để thỏa nỗi nhớ xa quê dịp Tết, các tướng nhà Tây Sơn tổ chức cuộc vui ngay trên bãi thao trường vào mùng 1 Tết.
Ông Hồ Văn Vạn - Trưởng thôn Phong Thạnh, cho biết: “Tôi nghe các cụ truyền miệng với nhau, hồi ấy nhà Tây Sơn tổ chức vui chơi cho binh lính đến khi mặt trời lặn. Các gia đình binh lính theo đổ về đây, người dân địa phương mang các đồ cây nhà lá vườn bày bán, lâu dần thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã nơi đây trở thành lễ hội chợ Gò hàng năm”.
Theo ông Vạn, đến thời Pháp thuộc, vì phải hạn chế tụ họp đông người nên có thời gian chợ phải họp vào buổi tối. Có năm trời mưa lớn, ngập lụt nhưng người dân vẫn xắn quần lội nước đến chợ. Người dân đem hàng đến, không có chỗ cao để ngồi, họ bưng bê đứng bán. Kẻ bán người mua vẫn tấp nập dù phía dưới chân là nước mênh mông.
“Phiên chợ Gò đã tồn tại suốt mấy trăm năm nhờ ý thức gìn giữ nét mộc mạc của một phiên chợ quê truyền thống. Điều này không chỉ xuất phát từ sự tôn kính của người dân đối với các tướng lĩnh nhà Tây Sơn, mà còn ở những ý nghĩa tốt đẹp, đem đến những niềm vui, cầu mong sự may mắn trong năm mới”, ông Vạn cho biết.
“Mua” lộc, cầu duyên
Khác với những phiên chợ thông thường, chợ Gò giống như một lễ hội vui xuân. Khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt, người dân vùng phụ cận mang đến đây những sản vật địa phương của mình như gánh rau, các loại trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là cau trầu.
Ai đến trước bày bán hàng trước, ai đến sau thì nối đuôi nhau, cứ thế chủ các gian hàng xếp trật tự mà không lời qua tiếng lại tranh giành như các phiên chợ thường nhật. Họ đem đến bán để lấy lộc đầu năm. Người mua không phải vì thiếu thức ăn, mà là muốn “mua” cái lộc đầu năm.
Bà Hồ Thị Mỹ Hạnh (56 tuổi, ở thôn Phong Thạnh), cho biết: “Chợ Gò tuy một năm nhóm có một ngày, nhưng hơn 30 năm qua, mỗi dịp Tết đến, tôi đều chọn trong vườn nhà mình những buồng cau, lá trầu đẹp nhất rồi gánh ra chợ Gò bán lấy lộc đầu năm.
Theo tục lệ, khách hàng mua 12 lá trầu để tượng trưng 12 tháng trong năm, hai trái cau chín đỏ, một ít vôi Trường Úc và một chùm trái sung với ý nói lên sự sung túc giàu sang của mọi gia đình làm ăn trong năm mới”.
Người ta vẫn nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên hầu như ai đến chợ chí ít cũng mang về gói trầu cau lấy may. Người mua về đặt lên bàn thờ tiên tổ, nhiều người mua trầu về bói cầu may, nhiều người lại mang trầu cau lên viếng những ngôi mộ trên núi Trường Úc. “Dù chẳng nhiều nhặn gì, mỗi gói cau, trầu chỉ vài ngàn đồng nhưng thiếu là xem như năm ấy không có lộc đầu năm”, bà Hạnh cho biết.
Muối cũng là mặt hàng đắt khách, bởi “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Điều đặc biệt, phiên chợ tuyệt nhiên không ai có sự mặc cả về giá, không cò kè bớt một thêm hai. Tất cả là để họ trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vương.
|
Hát bội ở chợ Gò |
“Hàng chục năm qua, tôi đều dẫn con đi chợ Gò để biết truyền thống quê mình, rồi mua ủng hộ một số người dân trong thôn đến đây bán muối. Còn khi mua trầu cau, tôi và nhiều người khác thường chỉ chọn của những người bán càng cao niên, bởi như vậy mình được hưởng lộc từ sự sống thọ và cái nết chịu thương chịu khó của các cụ”, chị Trần Phương Trà (40 tuổi, ở thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước) chia sẻ.
Có một điều thú vị ở chợ Gò, đó là nhiều đôi trai gái ở tuổi đôi mươi, họ khoác tay nhau cùng mua vài quả cau, lá trầu và chút vôi để cho duyên thắm tình nồng lứa đôi. Nhiều cặp trai gái đã nên vợ thành chồng từ phiên chợ Gò.
“Thời trẻ, cụ và ông nhà nên vợ nên chồng nhờ đi cầu duyên ở chợ Gò. Với cụ, ở đây ai không đi được chợ Gò xem như chưa ăn Tết. Trước còn khỏe cụ vẫn mang trầu cau ra chợ bán, nay già yếu rồi mỗi khi đến phiên chợ Gò lại nhờ con cháu dẫn ra mua ít cau, trầu xem như lộc may mắn trong năm. Con cháu trong nhà trong Nam ngoài Bắc cứ đúng 30 Tết tụ họp đông đủ, sáng mùng 1 Tết kéo nhau ra chợ Gò vui xuân”, cụ Nguyễn Thị Đào (83 tuổi, ở thôn Phong Thạnh) vui vẻ cho biết.
“Thưởng thức”… “món ruột” đất Võ
Người dân đến chợ Gò không chỉ để mua sắm lấy lộc đầu năm, mà họ còn đến để “thưởng thức” các trò chơi vui xuân mang màu sắc dân gian quy tụ nhiều “tài tử văn nhân” khắp vùng về đây thi thố. Hát bội, hát bài chòi, đi cà kheo, đánh cờ người là những tiết mục được trình diễn trong chợ.
Theo ông Vạn, sáng mùng 1 Tết, khi anh hiệu trong hội bài chòi cất lên những câu ca mời gọi: “Bài chòi mở hội đầu xuân/ Hội vui đón Tết, hội mừng non sông/ Vui chơi cho phỉ tấm lòng/ Mười hai tháng nữa mới mong tựu tề” thì nhiều người dân và du khách đã hưởng ứng đến chơi, tạo không khí mở đầu rộn ràng niềm vui cho ngày hội xuân.
Đặc sắc nhất ở chợ Gò vẫn là đi quyền, múa võ - “món ruột” của vùng đất này. “Năm nào, khi được dẫn đi biểu diễn các tiết mục quyền, binh khí, đối luyện ở hội Chợ Gò, các em võ sinh rất hăng hái. Tôi cũng thấy ý nghĩa vì đây là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định gắn với lễ hội truyền thống địa phương”, võ sư Phan Thị Kim Huệ (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cho biết.
Trong khi hầu hết các chợ Tết quê nơi khác nay đã vắng bóng hình ảnh ông đồ già viết, bán câu đối trên giấy đỏ thắm thì ở chợ Gò tục viết, bán câu đối Tết vẫn còn nguyên vẹn. Những chiếc chiếu hoa được trải ra lối cổng chợ cùng các cụ già râu tóc bạc phơ quần thâm, khăn xếp, thảo những nét chữ kỳ tài diệu bút trên giấy đỏ. Người xem, người mua đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của nét chữ, ý hay thâm thúy của câu đối.
Ông Vạn cho biết: “Ở đây, nghệ thuật chơi chữ và viết chữ đủ cả bốn lối: Triện (vuông), lệ (nghiêng), chân (rõ ràng), thảo (viết thoắng) là sở trường của những nhà nho, ông đồ văn hay chữ tốt. Nhưng lối viết câu đối thảo vẫn được nhiều người ưa thích nhất. Mỗi một vế đối như một bức tranh nghệ thuật độc đáo”.
Dù chỉ nhóm họp một ngày trong năm nhưng với sự sầm uất đa dạng và mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc, chợ Gò đã qua mặt hàng ngàn các chợ khác trong nước để lọt vào top “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam” được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xếp hạng.
Ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Có thể khẳng định chợ Gò là hội chợ xuân lớn nhất tỉnh Bình Định. Hàng trăm năm nay, chợ Gò luôn được duy trì như một nét văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Với ý nghĩa đó, địa phương đang tiếp tục tìm kiếm, thu thập những chứng cứ lịch sử, đồng thời có đơn gửi lên các cơ quan cấp trên xem xét công nhận chợ Gò là di sản văn hóa phí vật thể quốc gia”.