Phiên sơ thẩm xử vụ “mẹ kiện con” tại Quảng Ninh "mắc" nhiều “lỗi”

Bản án sơ thẩm số 04/2013/ DSST ngày 13/3/2013 của TAND TP Hạ Long đã bị VKSND tỉnh Quảng Ninh kháng nghị, đề nghị hủy án để xét xử lại theo “đúng nội dung khởi kiện của nguyên đơn”. Tuy nhiên, không chỉ mắc lỗi về nội dung như trên, Tòa cấp sơ thẩm còn có những “lỗi” cơ bản về tố tụng.

Như PLVN đã thông tin, bản án sơ thẩm số 04/2013/ DSST ngày 13/3/2013 của TAND TP Hạ Long đã bị VKSND tỉnh Quảng Ninh kháng nghị, đề nghị hủy án để xét xử lại theo “đúng nội dung khởi kiện của nguyên đơn”. Tuy nhiên, không chỉ mắc lỗi về nội dung như trên, Tòa cấp sơ thẩm còn có những “lỗi” cơ bản về tố tụng.

Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Ninh

Không đúng quy định về tố tụng

Vụ án bắt nguồn từ đơn khởi kiện của bà Thiểm yêu cầu con gái Vũ Thị Thúy Vân trả lại quyền sử dụng đất 107m2 và tài sản trên đất thửa số 4, bản đồ số 14, khu 3, phường Bạch Đằng, Tp Hạ Long. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì ngoài đơn khởi kiện này, bà Thiểm phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Nhưng ở đây, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 4 mà bà Thiểm gửi kèm đơn khởi kiện chỉ là bản phô tô nhưng vẫn được TAND TP. Hạ Long chấp nhận và chính thức thụ lý vào tháng 11/2011 và gắn tên gọi chính thức là vụ “tranh chấp đòi quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2012, bà Thiểm có đơn bổ sung đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng ủy quyền với anh Việt (có nội dung để anh Việt thực hiện dự án) vô hiệu và xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu này.

Thực chất, đây là 1 nội dung khởi kiện hoàn toàn mới, với 1 người bị kiện mới. Nhưng thay vì phải coi đây là một vụ án riêng và thụ lý độc lập thì TAND TP. Hạ Long lại gộp luôn vào vụ kiện mà bà Thiểm kiện con gái đã được  thụ lý trước đó 6 tháng để giải quyết chung. Từ đây, tên của vụ kiện được “đẻ” thêm thành “tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và yêu cầu tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu”.

Vậy là chỉ từ việc đòi 107m2 theo đơn khởi kiện ban đầu, bà Thiểm đã được Tòa ưu ái giao cho sử dụng 4 lô đất với tổng diện tích hơn 160m trong khu đất mới đã được san gạt với giá trị tăng thêm gần chục tỷ đồng.

Trong đơn kháng cáo của mình, anh Việt cho rằng, TAND TP Hạ Long đã vi phạm nguyên tắc “Tòa chỉ giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Cũng cần nhắc lại rằng, BLTTDS có quy định về việc người khởi kiện được bổ sung đơn khởi kiện về tên, địa chỉ của người bị kiện, về vấn đề cụ thể yêu cầu tòa giải quyết...nhưng việc bổ sung này chỉ được quy định ở giai đoạn trước khi tòa thụ lý đơn khởi kiện. Ở đây, TAND TP Hạ Long đã chấp nhận cho bà Thiểm được bổ sung thêm bị đơn (anh Việt) và bổ sung vấn đề khởi kiện (yêu cầu tuyên bộ hợp đồng vô hiệu) sau khi thụ lý đơn là không tuân thủ đúng quy định của BLTTDS. Ngoài ra, với việc chấp nhận bà Thiểm được bổ sung nội dung khởi kiện như trên, Tòa đã “thay đổi địa vị tố tụng” của anh Việt (từ “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” sang “bị đơn” mà không theo một quy định nào và cũng không thuộc trường hợp quy định tại điều 219 BLTTDS.

Một số luật sư cho rằng, nếu bà Thiểm không muốn kiện con gái của mình nữa thì phải rút đơn khởi kiện và tiến hành một vụ khởi kiện mới đối với anh Việt chứ không thể bổ sung “tùy thích như trên”. Trong khi đó thì anh Việt có quan điểm: “Ở đây đã có sự khuất tất bởi việc bà Thiểm kiện con gái chỉ là cái cớ rồi dùng Tòa để lôi tôi vào vụ kiện này nhằm hưởng thành quả từ việc triển khai dự án khu dân cư”.

Sai Luật Đất đai

Nghi vấn của anh Việt càng rõ hơn khi tại phán quyết của Bản án sơ thẩm, đã không thấy HĐXX đả động gì đến nội dung khởi kiện đòi 107m2 đất của bà Thiểm đối với con gái. Đã vậy, phán quyết của Tòa liên quan đến quyền sử dụng 4 lô đất của “dự án khu dân cư phía đông đường lên Nhà thờ”, nhưng cho đến nay, hồ sơ vụ án không hề có biên bản hòa giải về tranh chấp đất đại tại địa phương giữa bà Thiểm (nguyên đơn) và anh Việt (bị đơn). Ngay cả việc hòa giải tại địa phương giữa hai mẹ con bà Thiểm cũng chỉ là hòa giải liên quan đến 107m2 trong sổ đỏ mà thôi. Đây lại là một vi phạm tố tụng nữa của cấp Tòa sơ thẩm khi thụ lý vụ án mà không cần có thủ tục hòa giải tại địa phương?.

Có lẽ, vì không có thủ tục hòa giải tại địa phương nên chính quyền phường Bạch Đằng cũng không biết rằng, hàng trăm m2 đất lưu không, vốn do UBND phường quản lý (hiện thuộc lô 6,7,8,9) lại được 2 cá nhân đem ra giành nhau tại Tòa.

Việc cơ quan này cũng như một số đơn vị liên quan đến việc triển khai “Dự án khu dân cư phía đông đường lên Nhà thờ” không được mời đến Tòa có điều gì bất thường?. Phải chăng, sự có mặt của các cơ quan này sẽ làm lộ ra việc bà Thiểm không có bất cứ giấy tờ hợp lệ nào liên quan đến 4 lô đất được Tòa giao tạm sử dụng. Điều này buộc người ta phải đặt dấu hỏi, Tòa quyết như trên có đúng thẩm quyền khi mà Luật Đất đai đã quy định rõ, tranh chấp đất mà đương sự chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy tờ hợp lệ về đất đai thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (mà do chính quyền giải quyết)?.

Khoa Lâm

Đọc thêm