Luật sư cho rằng bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tài sản
Như PLVN đã phản ánh, theo hồ sơ và lời khai các bên, căn nhà 27 Lê Vĩnh Huy, Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, là di sản thừa kế của ông Nguyễn Hoài Nam (đang ở tại căn nhà) và ông Nguyễn Tấn Vĩnh (ngụ Bình Định).
Đầu tháng 8/2019, ông Nam gặp bà Châu nhờ làm 3 việc: Thứ nhất, nhờ làm thủ tục thừa kế; thứ hai, muốn mua lại phần thừa kế của ông Vĩnh và nhờ bà Châu hỏi giúp; thứ ba, muốn bán căn nhà cho bà Châu. Bà Châu đặt cọc cho ông Nam 500 triệu đồng.
Sau khi nhận hồ sơ, bà Châu nhờ môi giới rao bán căn nhà, quyết định “lướt cọc”. Bà Cao Thị Thúy Luận đồng ý mua với giá 7,2 tỷ; đặt cọc 500 triệu.
Ngày 9/9/2019, bà Châu gặp ông Vĩnh hỏi mua lại 1/2 căn nhà. Ông Vĩnh đến UBND xã Bình Thành (Tây Sơn, Bình Định) làm giấy tờ và cung cấp cho bà Châu.
Ngày 19/10/2019, ông Nam viết giấy nhận cọc lần hai số tiền 2,5 tỷ. Giấy cọc lần thứ nhất xé bỏ, hai bên viết giấy nhận cọc 3 tỷ; để bán căn nhà cho bà Châu với giá 6,6 tỷ. Ngày 22/10/2019, sau khi nhận thừa kế 1/2 căn nhà, ông Nam làm ủy quyền cho bà Châu toàn quyền định đoạt với phần có được.
Ngày 24/10/2019, bà Châu đưa hợp đồng đặt cọc với ông Nam cho bà Luận xem. Bà Luận đặt cọc thêm 2 tỷ, hình thức “hợp đồng vay tiền”.
Cáo trạng cho rằng việc ông Nam viết giấy nhận cọc 3 tỷ và ký ủy quyền là “giả cách” để bà Châu đi vay tiền giúp, chứ ông Nam không bán nhà, không nhận 3 tỷ. Do đó, bà Châu 2 lần nhận cọc của bà Luận với số tiền 2,5 tỷ là “lừa đảo”. Tại phiên xử, bị cáo kêu oan, cho chỉ là quan hệ dân sự.
Bào chữa cho bị cáo, LS Trần Bá Học (Đoàn LS TP HCM) nêu ra một số vấn đề để cho rằng bà Châu không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tài sản của bà Luận.
Thứ nhất, ông Nam muốn bán 1/2 căn nhà (phần ông Nam được hưởng) và muốn mua lại 1/2 căn nhà từ phần thừa hưởng của ông Vĩnh để bán kiếm tiền chênh lệch. “Lời khai của ông Nam tại bút lục 125 thể hiện “nghĩa là tôi nói với Châu đóng vai người đi mua nhà giúp tôi. Nói với Vĩnh rằng Châu mua 6,2 đến 6,4 tỷ””, LS Học nói.
Thứ hai, tại tòa, ông Vĩnh khai không “khai nhận di sản thừa kế” nhưng tại bút lục 216, 219 ông Vĩnh nêu lý do đến UBND xã trích lục giấy tờ, giao cho bà Châu là để “ra tên tôi trên sổ đỏ của ngôi nhà 27”. Như vậy, ông Vĩnh đã nhờ bị cáo thực hiện khai nhận di sản thừa kế. Bị cáo liên hệ và VPCC thực hiện niêm yết tìm người thừa kế là đúng quy định. Tại bút lục 212, 220, 2010 lời khai của ông Vĩnh và lời khai người làm chứng tại bút lục 196 thể hiện ông Vĩnh muốn bán 1/2 căn nhà cho ông Nam”, LS nêu quan điểm.
Thứ ba, bị cáo đặt cọc mua nhà sau đó nhận cọc bán nhà để kiếm chênh lệch. Bản chất của “đặt cọc là bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”, nếu bên nào có lỗi thì phải bồi thường. Điều 328 BLDS và Điều 168 Luật Đất đai không quy định phải là chủ sở hữu mới được phép nhận cọc. Giao dịch đặt cọc giữa ông Nam - bà Châu và bà Châu - bà Luận là giao dịch hứa mua, hứa bán chứ không phải bán nhà vì chưa phải hợp đồng mua bán.
“Thứ tư, bà Luận biết rõ về tình trạng căn nhà 27 trước khi thực hiện đặt cọc. Tại tòa, bà Luận khai biết bà Châu mới đặt cọc và đang làm hồ sơ thừa kế nhưng vẫn tự nguyện đặt cọc. Bị cáo không có hành vi “gian dối” vì nói rõ tình trạng pháp lý, cung cấp tiến độ công việc đầy đủ cho bà Luận. Bị cáo đặt cọc cho ông Nam 3 tỷ, sau đó nhận cọc của bà Luận 2,5 tỷ, càng cho thấy bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tài sản”, LS nói.
Bị cáo Huỳnh Thị Châu tại phiên sơ thẩm. |
Luật sư đề nghị cho đối chất các bên
Tại phiên xử, LS cũng đề nghị tòa làm rõ một số vấn đề khác trong vụ án.
Đó là bà Luận khai góp vốn chung với người khác để đặt cọc và tiền cọc 2 tỷ được thực hiện dưới hình thức vay vốn cho người góp chung vốn. “Vậy bà Châu chiếm đoạt của bà Luận bao nhiêu? Người góp vốn chung có được xem là bị hại hay không?”, LS nói.
Tiếp theo, ông Nam khai hợp đồng đặt cọc 3 tỷ với bà Châu là “giả cách” nhưng không đưa ra được chứng cứ. “Nếu xác định hợp đồng đặt cọc giữa ông Nam và bà Châu là “giả cách” thì trong vụ án này, bà Châu lừa ông Nam, chứ không phải lừa bà Luận. Đồng thời, cơ quan tố tụng mới dựa vào lời khai của ông Nam mà kết luận hợp đồng đặt cọc là “giả cách” là không chưa phù hợp quy định. Kết luận như vậy làm mất quyền của bà Châu vì bà Châu hoàn toàn có quyền khởi kiện ông Nam đòi lại 3 tỷ”, LS lập luận.
Việc bà Châu chưa thể chuyển nhượng căn nhà 27 là do việc khai di sản thừa kế phát sinh thêm một người. Người này chưa biết có được nhận di sản thừa kế hay không. Đây là sự kiện khách quan làm chậm trễ giao dịch. Tại thời điểm nhận thêm 2 tỷ của bà Luận, bà Châu đã có toàn quyền với 1/2 căn nhà. LS cho rằng cần làm rõ các vấn đề trên và thực hiện đối chất giữa các bên. LS đề nghị HĐXX tuyên bà Châu không phạm tội.
Dự kiến hôm nay (17/6), HĐXX sẽ tuyên án.
Trong phiên tòa này, bà Châu còn bị cáo buộc chiếm đoạt 10,9 tỷ của bà Dương Thị Kiều Dung với nhiều lô đất ở huyện Hòa Vang.
Vụ việc với bà Dung, cáo trạng cho rằng từ 2020 - 2022 bị cáo cọc mua đất của người khác tại nhiều vị trí trên địa bàn huyện Hòa Vang, sau đó nói với bà Dung là đang làm thủ tục tách thành từng thửa nhỏ; nên bà Dung đặt cọc 11 lần với tổng số tiền 10,9 tỷ (cho 112 lô).
Tại tòa, bà Châu không thừa nhận lừa dối bà Dung. Bản chất của vụ việc là bà Châu “lướt cọc” và bà Dung chỉ là người môi giới “lướt cọc”.
Bào chữa cho bị cáo, LS Huỳnh Quãng (Đoàn LS TP Đà Nẵng) cho rằng các giao dịch này là dân sự. “KLĐT lần 1, CQĐT xác định từ lần 5 - 11 là giao dịch dân sự, không có hành vi phạm tội. Nhưng sau đó lại kết luận hình sự. Bà Châu là người đã đặt cọc hoặc nhận chuyển nhượng từ chủ đất, giấy tờ đất đều do bà Châu nắm giữ. Bà Châu sau đó nhận đặt cọc với bà Dung là phù hợp. Việc bà Châu chưa thực hiện được việc chuyển nhượng cho bà Dung xuất phát từ nhiều lý do khách quan và chủ quan như bà Châu đã bị bắt (trong vụ án căn nhà 27) nên không thực hiện tiếp tục được giao dịch; hoặc bà Châu “bẻ cọc” bán cho người khác đều là việc vi phạm hợp đồng đặt cọc”, LS Quãng nói.
LS Quãng cũng cho rằng số tiền bà Châu bị cáo buộc chiếm đoạt 10,9 tỷ là chưa phù hợp, cần tính toán lại.