Chưa đến hẹn trả cọc, đã bị tố “lừa đảo”
Theo KLĐT, căn nhà được để lại di chúc cho ông Nguyễn Hoài Nam (đang ở tại đây) và ông Nguyễn Tấn Vĩnh (ngụ Bình Định). Đầu tháng 8/2019, ông Nam gặp bà Châu nhờ làm thủ tục thừa kế và nhờ liên hệ ông Vĩnh bán lại 1/2 căn nhà cho ông Nam. Ông Nam đưa giấy tờ; đưa số điện thoại, địa chỉ ông Vĩnh để bà Châu liên hệ mua lại nhà cho ông Nam.
Bà Châu khai, tháng 8/2019, sau khi gặp ông Nam, đã hỏi mua 1/2 căn nhà của ông Nam luôn; đồng thời đặt cọc 500 triệu. Sau đó bà Châu cho rao bán. Ngày 6/9/2019, bà Cao Thị Thúy Luận xem căn nhà. Bà Châu nói đã mua căn nhà; bán lại cho bà Luận giá 7,2 tỷ; đề nghị đặt cọc 500 triệu.
Tuy nhiên, khi CQĐT lấy lời khai, ông Nam cho rằng không bán nhà; không nhận cọc 500 triệu của bà Châu.
Ngày 8/9/2019, bà Châu, ông Nam bàn việc gặp ông Vĩnh để mua lại 1/2 căn nhà với giá hợp lý. Ông Nam “chốt” giá 6,2 tỷ; nếu được thì chuyển cọc 300 triệu và: “Nó không chịu thì thôi. Hiện nó chốt giá 6,7 tỷ nhưng anh chưa Ok. Anh nói 7 tỷ. Em với Vĩnh như thế nào cho khéo”. KLĐT cho rằng với nội dung trên, bà Châu đã chiếm đoạt của bà Luận 500 triệu đồng.
Tiếp theo, ngày 9/9/2019, bà Châu gặp ông Vĩnh hỏi mua lại 1/2 căn nhà. Ông Vĩnh không chịu, cũng không có nhu cầu làm thủ tục thừa kế, nhưng vẫn đến UBND xã Bình Thành (Tây Sơn, Bình Định) cung cấp: Giấy xác nhận quan hệ cha con, trích lục khai tử của bà Mai Thị Hiếu. Ông Vĩnh cho rằng thực hiện việc này do ông Nam đã nhắn trước là cần giấy tờ để cấp đổi “sổ đỏ”.
Sau khi có giấy tờ, bà Châu đến Văn phòng Công chứng (VPCC) làm khai nhận thừa kế cho ông Vĩnh. Sau đó bà Châu đến UBND xã Bình Thành niêm yết và không phát sinh tranh chấp. Ngày 17/10/2019, ông Nam ký thỏa thuận chia di sản thừa kế, ủy quyền cho bà Châu nhận “sổ đỏ”, nộp phí.
Ngày 19/10/2019, ông Nam viết giấy nhận cọc 3 tỷ bán căn nhà cho bà Châu giá 6,6 tỷ. Ngày 22/10/2019, sau khi nhận thừa kế 1/2 căn nhà, ông Nam làm ủy quyền cho bà Châu toàn quyền định đoạt với phần có được.
Ông Nam khai viết giấy đặt cọc do bà Châu nói để làm chứng từ vay ngân hàng, để ông có tiền trả cho ông Vĩnh mua lại 1/2 căn nhà; và hợp đồng ủy quyền ngày 22/10/2019 chỉ là “giả cách”. CQĐT tiến hành đối chất nhưng do vắng LS bào chữa, nên không thực hiện được.
Bà Châu tiếp tục nói dối với công chứng viên là ông Vĩnh sẽ ra Đà Nẵng ký văn bản thừa kế, nếu không ra thì bà Châu và công chứng viên sẽ vào Bình Định gặp. Đồng thời, nói dối ông Vĩnh sẽ ký văn bản thừa kế, nhưng không đủ tiền giao ông Vĩnh (mua lại 1/2 căn nhà) nên yêu cầu bà Luận đặt cọc thêm 2 tỷ đồng.
Ngày 23/10/2019, bà Luận đến VPCC hỏi thì được công chứng viên xác nhận đang thực hiện hồ sơ thừa kế. Thực chất VPCC chưa có hồ sơ yêu cầu thừa kế của ông Vĩnh. Ngày 24/10/2019, bà Châu đưa hợp đồng đặt cọc với ông Nam cho bà Luận xem. Bà Luận đặt cọc thêm 2 tỷ, hình thức “hợp đồng vay tiền”.
Ngày 8/11/2019, bà Châu gặp chị gái ông Vĩnh. KLĐT cho rằng chị ông Vĩnh không được thừa kế, không tranh chấp tài sản thừa kế, nhưng bà Châu nói dối là vẫn được hưởng.
Theo lời khai của bà Châu, do các việc mua bán giữa các bên không thành, nên theo luật, ông Nam phải trả lại cọc cho bà Châu, bà Châu trả lại cọc cho bà Luận. Bà Châu cam kết với bà Luận đến 30/3/2020 sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên chưa tới hẹn, thì bà Luận đã làm đơn tố cáo. Do bị tố cáo, nên bà Châu muốn tòa xử vụ việc này theo trình tự dân sự và khi đó bà Châu sẽ trả lại tiền cho bà Luận. Tuy nhiên, sau đó CQĐT đã khởi tố vụ án, bắt giam bà Châu.
Theo KLĐT, bà Châu chiếm đoạt tổng cộng 2,5 tỷ đồng của bà Luận.
8 vấn đề cần làm rõ hơn
LS Trần Bá Học (Đoàn LS TP HCM), người bào chữa cho bà Châu cho rằng, trong vụ này, cần làm rõ thêm một số vấn đề.
Thứ nhất, chính KLĐT cho thấy, ông Nam cung cấp thông tin là ông Vĩnh đồng ý bán phần thừa kế cho mình nhưng chưa đồng ý về giá. Do đó, ngoài việc nhờ bà Châu thực hiện thủ tục thừa kế, ông Nam còn nhờ đi thương lượng giá với ông Vĩnh.
Thứ hai, bà Châu khai ông Nam thỏa thuận bán nhà và nhận đặt cọc 500 triệu vào tháng 8/2019 thì phải tiến hành đối chất để làm rõ có hay không? Nếu ông Nam có nhận cọc, có thỏa thuận bán nhà thì bản chất vụ án sẽ thay đổi; bà Châu chỉ là người “lướt cọc”.
Thứ ba, CQĐT xác định ông Vĩnh cung cấp giấy xác nhận quan hệ cha con, trích lục khai tử của bà Mai Thị Hiếu cho bà Châu vì ông Nam nói để đổi “sổ đỏ”; là cần xác định lại. Thời điểm đó cả 2 người chủ sở hữu căn nhà đã chết, nếu không chia di sản thừa kế thì không thể đổi “sổ đỏ”. CQĐT cần đối chất vấn đề này.
Thứ tư, bà Luận là người chuyên kinh doanh nhà đất. Nếu bà Châu không đưa ra chứng cứ, giấy tờ nào đó xác định đã mua căn nhà trên thì bà Luận có đặt cọc 500 triệu không? Lần giao tiền tiếp theo, tại sao khi đặt cọc 2 tỷ, lại làm “hợp đồng vay tiền”?
Thứ năm, ở thời điểm 23/10/2019, KLĐT cho rằng chưa có hồ sơ yêu cầu thừa kế, là cần xác định lại. Thực tế, ngày 3/10/2019, VPCC đã phát văn bản tìm người thừa kế khác, ngoài ông Vĩnh. Phải có hồ sơ yêu cầu thừa kế, thì mới có văn bản tìm người thừa kế.
Thứ sáu, ông Nam khai ký hợp đồng đặt cọc (giấy tay) để vay ngân hàng là chưa thuyết phục. Vì theo quy định, không thể dùng văn bản này để vay ngân hàng và ông Nam chỉ mới đứng tên 1/2 căn nhà. Nếu cho rằng hợp đồng ủy quyền toàn quyền quyết định 1/2 căn nhà là “giả cách”, thì ông Nam phải có trách nhiệm chứng minh “giả cách” cho giao dịch, cho thỏa thuận nào?
“Thứ bảy, CQĐT cho rằng không đối chất được do vắng mặt luật sư bào chữa. Lần vắng mặt đó tôi có lý do và đã thông báo CQĐT. Đồng thời, tôi và bà Châu đã làm việc với CQĐT hàng chục lần suốt 3 năm qua, vì sao CQĐT không thực hiện việc đối chất trên?”, LS nói.
Thứ tám, theo Điều 328 BLDS thì “đặt cọc là để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. CQĐT cần chứng minh được không có giao kết bán nhà, hợp đồng đặt cọc 500 triệu và 3 tỷ giữa bà Châu và ông Nam; hợp đồng ủy quyền ngày 22/10/2019 giữa ông Nam và bà Châu là không có thật; thì mới có thể xác định được bà Châu “lừa đảo” bà Luận. Còn nếu không, bà Châu chỉ vi phạm về đặt cọc với bà Luận, là một vụ việc dân sự.
LS cho rằng đây là một vụ việc rất phức tạp, sau 3 năm khởi tố mới ra KLĐT, nên CQĐT cần tiếp tục làm rõ những vấn đề nêu trên, tránh để xảy ra oan sai.
Theo LS, KLĐT xác định chị ông Vĩnh không được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, tại Điều 644 BLDS về hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc, có nêu “con thành niên mà không có khả năng lao động”. Chị ông Vĩnh sinh năm 1947 (năm 2019 là 72 tuổi) đang sống một mình. Nên bà Châu đến gặp để tìm hiểu xem có thuộc diện được hưởng di sản thừa kế hay không là thấy rõ trách nhiệm và sự tuân thủ pháp luật của bà Châu, nhằm tránh tranh chấp về sau.