Xét xử vụ án 'lướt cọc' tại Đà Nẵng: Bị cáo nộp chứng cứ mới là đoạn ghi âm dài 30 phút

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 13/6, TAND TP Đà Nẵng mở phiên sơ thẩm với bị cáo Huỳnh Thị Châu (SN 1975, ngụ quận Cẩm Lệ) trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Châu kêu oan, cho rằng giao dịch giữa mình và bà Luận là giao dịch dân sự.
Bị cáo Châu kêu oan, cho rằng giao dịch giữa mình và bà Luận là giao dịch dân sự.

Đặt cọc mua nhà, rồi nhận cọc của người khác

Cáo trạng xác định, thông qua hợp đồng đặt cọc mua bán đất, bà Châu “lừa đảo chiếm đoạt” 2,5 tỷ của bà Cao Thị Thúy Luận với căn nhà 27 đường Lê Vĩnh Huy, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.

Theo hồ sơ, căn nhà 27 là di sản thừa kế của ông Nguyễn Hoài Nam (đang ở tại căn nhà) và ông Nguyễn Tấn Vĩnh (ngụ Bình Định). Đầu tháng 8/2019, ông Nam gặp bà Châu nhờ làm thủ tục thừa kế; đồng thời muốn mua lại phần thừa kế của ông Vĩnh nên nhờ bà Châu hỏi giúp.

Sau khi nhận hồ sơ, bà Châu nhờ môi giới rao bán căn nhà trên. Bà Luận đồng ý mua với giá 7,2 tỷ; đặt cọc 500 triệu.

Đến ngày 9/9/2019, bà Châu gặp ông Vĩnh hỏi mua lại 1/2 căn nhà. Ông Vĩnh không chịu, cũng không có nhu cầu làm thủ tục thừa kế, nhưng vẫn đến UBND xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cung cấp: Giấy xác nhận quan hệ cha con, trích lục khai tử của bà Mai Thị Hiếu. Ông Vĩnh cho rằng thực hiện việc này do ông Nam đã nhắn trước là cần giấy tờ để cấp đổi sổ đỏ.

Ngày 19/10/2019, ông Nam viết giấy nhận cọc 3 tỷ bán căn nhà cho bà Châu giá 6,6 tỷ. Ngày 22/10/2019, sau khi nhận thừa kế 1/2 căn nhà, ông Nam làm ủy quyền cho bà Châu toàn quyền định đoạt với phần có được.

Theo dõi diễn biến vụ án, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) nói: “Tôi cho rằng khi mua, bà Luận biết rõ căn nhà này không phải do bà Châu đứng tên, mà chỉ là người mua lại, đang làm thủ tục thừa kế. Do đó, nếu trường hợp ông Nam, ông Vĩnh không bán thì ông Nam sẽ vi phạm nghĩa vụ với bà Châu, dẫn đến bà Châu vi phạm nghĩa vụ với bà Luận. Việc vi phạm nghĩa vụ về đặt cọc sẽ được giải quyết bằng hai vụ án dân sự. Bà Luận kiện bà Châu đòi bồi thường, bà Châu sẽ kiện đòi ông Nam bồi thường”.

“Ông Nam khai giấy nhận tiền là giả cách thì ông Nam phải chứng minh giấy nhận tiền, hợp đồng ủy quyền là giả cách để vay, chứ không phải bán nhà”.

Theo LS Tuấn: “Có sự mâu thuẫn về lời khai, trong đó có chứng cứ đang gỡ tội cho bị cáo Châu, nên cần cho đối chất giữa ông Nam - ông Vĩnh, bà Châu - ông Nam - ông Vĩnh, bà Châu - ông Nam - và người giới thiệu ông Nam cho bà Châu; để làm rõ”.

Ông Nam khai viết giấy đặt cọc và ủy quyền cho do bà Châu là để làm chứng từ vay ngân hàng, để ông có tiền trả cho ông Vĩnh mua lại 1/2 căn nhà; chứ ông Nam không bán nhà, không nhận 3 tỷ.

Ngày 24/10/2019, bà Châu đưa hợp đồng đặt cọc với ông Nam cho bà Luận xem. Bà Luận đặt cọc thêm 2 tỷ, hình thức “hợp đồng vay tiền”.

Cơ quan công tố cho rằng việc ông Nam viết giấy nhận cọc 3 tỷ và ký ủy quyền là “giả cách” để bà Châu đi vay tiền giúp, chứ ông Nam không bán nhà, không nhận 3 tỷ.

Bị cáo kêu oan

Tại phiên xử, bị cáo không chấp nhận nội dung cáo trạng. Theo bị cáo Châu, quan hệ giao dịch giữa bị cáo với bà Luận là giao dịch dân sự. Bị cáo có đặt cọc mua nhà, mua đất sau đó nhận cọc lại để kiếm lời.

Giấy nhận tiền do ông Nam viết. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Giấy nhận tiền do ông Nam viết. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Đối với căn nhà 27, bị cáo Châu nói ông Nam nhờ làm hồ sơ khai di sản thừa kế và bán lại với giá 6,6 tỷ. Ông Nam viết giấy nhận cọc 500 triệu. “Ngày 6/9/2019, tại nhà, bị cáo đã đưa toàn bộ hồ sơ khai nhận thừa kế, giấy đặt cọc cho bà Luận và những người đi cùng xem. Chính vì có giấy đặt cọc nên bà Luận mới đặt cọc mua và bà Luận biết rõ căn nhà đang thực hiện thủ tục khai di sản thừa kế”, bị cáo nói.

Theo bị cáo Châu, tất cả thủ tục khai di sản thừa kế đều được công chứng viên hướng dẫn; đồng thời việc khai di sản thừa kế đối với gia đình ông Nam rất phức tạp.

“Bị cáo đã gọi điện hỏi và ông Vĩnh đồng ý bán nhà. Bị cáo có ghi âm 30 phút, trong đó, ông Vĩnh nói đưa ông 3 tỷ thì sẽ ký bán”, bị cáo Châu khai. Bị cáo Châu thông qua luật sư đã nộp đoạn ghi âm cho HĐXX.

Sau khi thủ tục khai nhận thừa kế của ông Nam đã xong, ông Nam nhận thêm 2,5 tỷ nên viết giấy nhận cọc 3 tỷ; đồng thời ký ủy quyền toàn quyền mua bán, thế chấp, tặng cho... với phần thừa kế đã sang tên ông Nam cho bà Châu.

“Khi có ủy quyền, đặt cọc 3 tỷ, bị cáo mới nhận cọc thêm 2 tỷ từ bà Luận. Khi nhận tiền, bà Luận biết rõ tình trạng pháp lý căn nhà, có mang hồ sơ đến Văn phòng công chứng hỏi tiến trình hồ sơ và thấy cần “bảo lưu” tiền nên mới yêu cầu bị cáo làm hợp đồng vay tiền. Ngày 11/3/2020, bà Luận không muốn mua nữa nên bị cáo làm giấy hủy hợp đồng và hứa trả tiền lại tiền vào ngày 30/3/2020. Nhưng trước khi đến hạn trả tiền, bà Luận đã tố cáo và cơ quan công an có văn bản trả lời là dân sự”, bị cáo Châu trình bày.

Tại tòa, bà Luận có biết bị cáo Châu đã đặt cọc mua lại căn nhà và đang thực hiện thủ tục thừa kế khi đặt cọc 500 triệu để mua. Bà Luận thừa nhận việc “lướt cọc” là bình thường và đang nghĩ bà Châu làm như vậy.

“Ngày 23/10/2019, chị Châu có hẹn làm việc và nói phần của ông Nam đã xong, còn phần ông Vĩnh giờ cần 2 tỷ để mua. Tôi đến hỏi công chứng viên để hỏi thì được trả lời sẽ vào Bình Định với bà Châu nên tin tưởng. Tin tưởng, ngày 24/10/2019, tôi mới đặt cọc thêm 2 tỷ bằng hợp đồng vay tiền”, bà Luận khai.

Về phía ông Nam, khai không bán nhà, không nhận tiền, việc ký hợp đồng đặt cọc 3 tỷ là để bà Châu vay tiền ngân hàng; còn hợp đồng ủy quyền toàn quyền, do tin tưởng bà Châu nên ông Nam không đọc, “cứ đưa qua là ký, công chứng viên cũng không giải thích gì”, ông Nam nói. Còn ông Vĩnh khai không hứa bán nhà, chỉ nói sau khi mãn tang thì sẽ ưu tiên bán cho ông Nam. Ông Vĩnh có hỏi bà Châu giá thị trường căn nhà và được trả lời 6 tỷ nên ông có nói “vậy mỗi người được 3 tỷ hả”.

Người liên quan (góp vốn mua chung với bà Luận) khai khi bà Châu yêu cầu đặt cọc thêm 2 tỷ, thấy bà Châu không đứng tên sổ đỏ nên sợ vì số tiền quá lớn nên làm hợp đồng vay.

Hôm nay, HĐXX dự kiến sẽ tiếp tục phần xét hỏi.

Trong phiên tòa này, HĐXX cũng xác định việc bị cáo Châu bị cáo buộc chiếm đoạt 10,9 tỷ của bà Dương Thị Kiều Dung với nhiều lô đất ở huyện Hòa Vang.

Vụ việc với bà Dung, cáo trạng cho rằng từ năm 2020 - 2022 bị cáo Châu đặt cọc mua đất của người khác tại nhiều vị trí trên địa bàn huyện Hòa Vang, sau đó nói với bà Dung là đang làm thủ tục tách thành từng thửa nhỏ; nên bà Dung đặt cọc với tổng số tiền 10,9 tỷ (cho 112 lô).

Cơ quan công tố cho rằng bị cáo Châu không nộp hồ sơ chuyển đổi mục đích, không nộp hồ sơ tách thửa nhưng vẫn nhận cọc bán cho bà Dung hoặc sau khi tách thì bán cho người khác nhưng không trả lại tiền cho bà Dung nên là hành vi lừa đảo.

Với vụ việc liên quan bà Dung, HĐXX dự kiến sẽ xét hỏi vào hôm nay (14/6).

Đọc thêm