Philippines yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động xây dựng trái phép trên biển Đông

(PLO) - Sau khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng một ngôi trường trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Philippines ngày 16/6 cho biết, nước này sẽ đề xuất tạm ngừng các hoạt động làm leo thang căng thẳng trên biển Đông. 
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario. Ảnh: AP
Theo AP, đề xuất nói trên bao gồm việc yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động xây dựng trên biển Đông. Tờ Rappler cho hay, trả lời phỏng vấn Hãng tin ABS - CBN, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết, đề xuất này là để giảm thiểu những căng thẳng tại các vùng biển có tranh chấp. 
Theo ông Del Rosario, yêu cầu sẽ có sự tham gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. “Chúng ta cần phải xem xét để xích lại gần nhau hơn và tuyên bố rằng “Hãy dừng tất cả các hành vi làm leo thang căng thẳng” - ông Del Rosario nói. 
Cũng theo AP, Ngoại trưởng Del Rosario nhận định, Trung Quốc đang tăng tốc thực thi “chương trình nghị sự mở rộng” của nước này trên biển Đông với mục tiêu hoàn thành các chương trình này trước khi các nước ASEAN và Trung Quốc hoàn thành  Bộ Quy tắc ứng xử (COC) bao gồm các quy định nhằm ngăn chặn những rắc rối trên biển Đông. 
Ông Del Rosario cho rằng, các nước ASEAN cần phải kêu gọi đưa ra một đình chỉ đối với các hành động làm leo thang căng thẳng. “Chúng ta hãy làm như vậy trong khi đang khẩn trương làm việc để đưa ra kết luận về COC và thực thi đầy đủ, hiệu quả COC. Tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận hợp lý” - Ngoại trưởng Philippines nói. 
Ông Del Rosario cho biết thêm, yêu cầu tạm ngừng các hoạt động làm leo thang căng thẳng mà ông nói đến được đưa ra dựa trên đề xuất của ông Danny Russel – nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách khu vực Đông Á. 
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới hôm 11/6, ông Russel giải thích: “Các nước có tuyên bố chủ quyền tự mình hãy nêu rõ các hành động mà họ thấy là mang tính gây hấn mà các nước khác tiến hành và tự nguyện thực hiện việc ngưng các hành động gây hấn như vậy với điều kiện các bên có tuyên bố chủ quyền khác đồng ý thực hiện điều tương tự”. 
Ngoại trưởng Philippines cho biết ông có cùng quan điểm với ông Russel. Bởi theo lý giải của ông Del Rosario, việc giải quyết tranh chấp hàng hải liên quan đến 2 yếu tố, gồm quản lý căng thẳng và giải quyết tranh chấp. “Tôi nghĩ chúng ta cần viện đến cộng đồng quốc tế để củng cố và để nói rằng chúng ta cần phải quản lý các căng thẳng trên biển Đông trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát” - Ngoại trưởng Del Rosario nói.
Về thời điểm công bố bản đề xuất, ông Del Rosario thông tin, Philippines muốn đưa bản đề xuất trong năm nay, mà cụ thể là tại cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng ASEAN theo đề xuất của Indonesia nếu cuộc gặp được thông qua. Song, ông cũng thừa nhận đề xuất này của Philippines nhiều khả năng sẽ bị Trung Quốc phớt lờ hay bác bỏ, giống như việc nước này thường xuyên phớt lờ DOC.
Hôm 14/6, Tân Hoa xã đưa tin, chính quyền “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã động thổ dự án xây dựng một trường học và các công trình đồng bộ liên quan trên đảo “Vĩnh Hưng”, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 
Dự án này có tổng diện tích là 7.924 m2, tổng diện tích xây dựng là 4.650 m2, với vốn đầu tư là 36 triệu nhân dân tệ, gồm nhiều công trình như: thư viện, phòng hồ sơ tài liệu, phòng đa năng, sân chơi, nhà văn hoá… Theo truyền thông Trung Quốc, ngôi trường và các công trình nói trên sẽ hoàn thiện và được đưa vào sử dụng sau một năm rưỡi thi công.
Tháng 7/2012, Trung Quốc đã thành lập trái phép chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo “Vĩnh Hưng”, tức đảo Phú Lâm để quản lý vùng biển rộng hàng trăm nghìn kilômét vuông mà các nước châu Á khác cũng tuyên bố chủ quyền. Trên đảo này, Trung Quốc cũng đã ngang nhiên xây dựng bưu điện, ngân hàng, siêu thị, bệnh viện, sân bay… và đưa người ra đây sinh sống. Tiếp tục các hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng khu vực, hồi đầu tháng trước, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 
Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng đã nhiều lần bị tố giác có hành vi cải tạo đất trên đá Gạc Ma, bãi Châu Viên, bãi Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Philippines cho rằng Trung Quốc có thể đang cải tạo đất để xây dựng các căn cứ quân sự và sân bay để tăng cường hiện diện quân sự của mình trên biển Đông.