Toát mồ hôi vì bối cảnh
Bộ phim “Gia phả của đất” 38 tập, của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đang được phát sóng những tập đầu trên VTV1 được nhiều khán giả đón chờ. Có lẽ hai năm qua, khán giả Việt mới có thể tiếp tục được thưởng thức bộ phim về đề tài nông thôn.
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hoàng Minh Tường, “Gia phả của đất” là bức tranh đầy màu sắc về nông thôn Bắc bộ trải dài từ cuối những năm 1970. Trong giai đoạn phát triển từ thời bao cấp sang đổi mới, một mảnh đất thuần nông đã phải chứng kiến nhiều câu chuyện, đau thương có, nực cười cũng có. Những nông dân thuần phác, vô tư, nhiệt tình bị lợi dụng bởi chính sự tha hóa, biến chất của kẻ tham vọng tiền, quyền...
“Gia phả của đất” nói riêng và đề tài nông thôn đang là “của hiếm” trên sóng truyền hình. Bởi thể loại này được mệnh danh là là “4K”: khô, khó, khổ, kén khán giả… So với các bộ phim đề tài khác vừa thực hiện, kể cả những phim đầu tư lớn, với 37- 38 tập thường chỉ quay khoảng 3 - 4 tháng, nhưng riêng “Gia phả của đất” mất 9 tháng quay phim, tổng thời gian sản xuất mất gần 2 năm.
Đạo diễn Quốc Trọng cho biết nỗi khổ lớn nhất của ông khi làm phim nông thôn là phải phụ thuộc vào bối cảnh thật. Đạo diễn của “Hương đất”, “Bí thư tỉnh ủy”, “Bão qua làng” chia sẻ: “Khi làm “Bí thư tỉnh ủy” tôi đã găm được một số bối cảnh. Nhưng sau 3 năm trở lại làm “Gia phả của đất”, tôi tá hỏa vì một cái đình cổ nay đã bị bê tông hóa sau một dự án tu bổ di sản. Muốn quay cảnh đồng lúa thật thì chắc phải 3 vụ mới xong, vì máy gặt bây giờ xoẹt một cái là đi cả cánh đồng lúa chín chỉ trong một buổi sáng”- đạo diễn Quốc Trọng giãi bày.
Cuối cùng, để tái hiện được hình ảnh nông thôn Bắc bộ cuối những năm 70, đoàn làm phim đã phải quay tại 4 tỉnh.
Chật vật cạnh tranh “giờ vàng” với phim thành thị
Ngoài bối cảnh, kịch bản là nguyên do quan trọng khiến phim đề tài nông thôn bị “lép vế”. Ở nước ta, nông dân vẫn chiếm đa số so với các thành phần xã hội khác. Vì vậy, đề tài nông thôn vẫn là nguồn tư liệu bất tận. Tuy nhiên, để khai thác tốt, có những hình ảnh chân thực, đưa được những bức xúc, trăn trở, tâm tư, nguyện vọng cũng như đi sâu vào đời sống của nông dân ở làng quê Việt Nam, không phải nhà biên kịch, đạo diễn nào cũng có thể làm được.
Đạo diễn của những bộ phim đề tài nông thôn nổi tiếng như “Ma làng”, “Đất và người”, “Gió làng Kình”… Nguyễn Hữu Phần cho hay, hiện rất hiếm kịch bản hay. Tràn ngập trên sóng truyền hình hiện nay là những bộ phim đề tài tình yêu, giới trẻ... dễ hút khách, kịch bản dễ viết.
Còn kịch bản về đề tài nông thôn đòi hỏi sự hiểu biết, vốn sống cũng như sự chính xác trong các lĩnh vực. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lo lắng: “Tôi nhận thấy số đạo diễn làm phim về nông thôn ngày càng ít đi. Các đài cũng không đặt ra tỉ lệ làm phim đề tài này nên khó có thể tăng lượng phim. Tôi hơi lo, tương lai sẽ không có đội ngũ làm phim nông thôn nữa”.
Còn đạo diễn Thanh Hải - Giám đốc VFC nhận định: “Với đề tài này, chỉ có kịch bản nào thực sự đặc biệt, có chất lượng nội dung xứng tầm mới được lựa chọn. Hiện số kịch bản đề tài nông thôn hàng năm chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về VFC, nhưng lựa chọn được rất ít”.
Nhiều hãng phim không thể chủ động sản xuất phim về đề tài nông thôn bởi cũng phải dựa vào tính “ăn may” của kịch bản. Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì cho biết: “Kinh phí thì hiện nay chúng ta gần như là đồng đều nhau cho kịch bản cũng như cho phim. Nếu viết về nông thôn, biên kịch phải đi tìm hiểu nên bị mất công và khó khăn rất nhiều. Nói như thế để thấy kinh phí làm một bộ phim cần phải có sự bù đắp”.
Hiện phim nào có tỷ lệ rating (chỉ số người xem truyền hình) cao, hút nhiều quảng cáo thì các nhà đài sẽ ưu tiên phát sóng, nhất là vào các khung “giờ vàng”. Xu hướng này khiến những bộ phim đề tài nông thôn, nếu không phải dự án trọng điểm của các hãng phim lớn sẽ phải chật vật cạnh tranh giờ phát sóng với phim đề tài thành thị với những mối quan hệ tình yêu tay ba - tay tư rắc rối, mâu thuẫn và tranh giành tài sản gia đình đặt trong bối cảnh thành phố với nhà lầu, bar, vũ trường, quán cà phê sang trọng, xe hơi đắt tiền, quần áo thời trang…
Dù có “4K”, VFC vẫn giúp khán giả có thể thưởng thức “đặc sản” làng quê Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC chia sẻ: “Những năm qua, VFC luôn cố gắng và nỗ lực sản xuất những bộ phim như “Gia phả của đất” với bối cảnh ở những vùng nông thôn, những câu chuyện ở nông thôn. Tôi cho rằng đây là một bộ phim được “xếp hạng 4K” ở chỗ: đề tài khô, quay phim và kịch bản viết thì khó làm, đội ngũ diễn viên và sáng tác thì rất khổ, nhưng khi phát sóng lại rất kén khán giả”.
Giám đốc VFC khẳng định, dù có “4K”, VFC và một số nhà biên kịch, đạo diễn vẫn cố gắng dành trọn tâm huyết làm phim để khán giả có thể thưởng thức “đặc sản” dân dã làng quê, góp phần tạo nên giá trị cho phim Việt./.