Ngày 10/3, một trong những siêu phẩm Hollywood của năm 2017- “Kong: Skull Island” sẽ ra rạp toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Phim được công chiếu, cả thế giới sẽ được chiêm ngưỡng những khung cảnh hùng vĩ, thần tiên, kỳ bí tuyệt đẹp của Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình. Đây dường như là cơ hội ngàn vàng đối với ngành Du lịch Việt Nam.
Sẽ làm gì khi “bom tấn” công chiếu?
Từ trước đến giờ, phim quay ở Việt Nam không hiếm nhưng được quay công phu, được xuất hiện ở ngay trailer đầu tiên, được diễn viên trong phim hết lời khen ngợi trong các buổi họp báo quảng bá phim… là chuyện xưa nay chưa từng có. Chính nhà sản xuất của “Đảo đầu lâu” là Alex Garcia đã bày tỏ: “Được quay phim tại đất nước Việt Nam với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim chúng tôi. Những khung cảnh ngoạn mục ở nơi đây đã góp phần làm nên một bức phông nền vô cùng đặc biệt cho câu chuyện của chúng tôi”.
Ngay khi trailer được công bố, sự chờ đợi của khán giá trên thế giới dành cho “Đảo đầu lâu” không chỉ giống “chiếc tem vàng” cho doanh thu của siêu phẩm này, mà nó còn hứa hẹn đem lại nguồn lợi to lớn về du lịch cho những địa danh được xuất hiện trong bối cảnh bộ phim. Việt Nam có ba địa danh liên quan trực tiếp đến “Đảo đầu lâu” là Ninh Bình, Quảng Bình và Quảng Ninh. Nếu như hình ảnh của Quảng Ninh không để lại dấu ấn quá nhiều bởi Vịnh Hạ Long trước đấy đã quá nổi tiếng thì Quảng Bình và Ninh Bình lại có một lợi thế vô cùng to lớn. Và nếu như du lịch hai tỉnh này nhạy bén thì đấy chính là một “kho báu”.
Ninh Bình phim trường chính ở Trường An có khoảng 40 cái lều hình chóp nhọn như nhà của thổ dân châu Phi, có các con thuyền gỗ dài giống như thuyền mà thổ dân hay sử dụng. Đoàn làm phim cũng thiết kế các giá treo bằng tre như người dân vùng biển dùng để phơi cá. Tất cả đều sử dụng vật liệu truyền thống như tre, nứa, gỗ… Rõ nét nhất trong phim “Đảo đầu lâu” là những cảnh đẹp của Quảng Bình. Khi xem “Đảo đầu lâu”, khán giả sẽ nhận ra thung lũng Chà Nòi thuộc khu vực đèo Đá Đẽo (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), cùng với hồ nước Yên Phú (thuộc xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) và khu vực sông suối hang Chuột (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa).
Đừng chờ họ đến mà hãy học cách “chào hàng”
Gần đây, Quảng Bình đã đàm phán thành công với đoàn làm phim “Kong: Skull Island” về việc dựng tượng 3 cánh tay của khỉ Kong trong phim tại 3 điểm quay gồm: hồ Yên Phú, thung lũng Chà Nòi và hang Chuột. Đồng thời, trước mắt Quảng Bình xây dựng tour liên quan đến bộ phim “Đảo đầu lâu” bằng việc đưa khách đến tham quan phim trường, nơi đặt các bức tượng cánh tay khỉ Kong.
Để trợ tối đa cho hoạt động du lịch, Quảng Bình cũng đã ký hợp đồng quảng bá với trang web TripAdvisor nhằm tăng lượt khách nước ngoài đến Quảng Bình trong thời gian tới… Đây dường như là một chiến lược dài hơi để ngay cả khi bộ phim kết thúc người ta vẫn biết đến Quảng Bình – đến để ngắm cảnh và đến để khám phá phim trường “bom tấn”. Việc mà Quảng Bình đang làm được xem như những viên gạch đầu tiên cho “giấc mơ” tương lai nước ta xuất hiện nhiều địa điểm ở nhiều tỉnh, thành “ghi dấu” trên những phim trường của các siêu phẩm Hollywood.
Được biết, ngay sau thông tin đoàn làm phim “Kong – Đảo đầu lâu” đến quay ở Việt Nam thì đã có rất nhiều nhà làm phim trên thế giới bắt đầu chú ý và thậm chí là tự mình sang Việt Nam để khám phá thiên nhiên và tìm khung cảnh nhằm phục vụ cho hoạt động điện ảnh của họ.
Tuy nhiên, về lâu dài thay vì chờ các đoàn làm phim nước ngoài sang quay rồi chúng ta tận dụng để quảng bá Du lịch thì đã đến lúc ngành du lịch Việt cần tự đi tìm tòi những hình ảnh đẹp để quảng bá, để mời chào. Sự quảng bá bằng cách chào mời, cộng hưởng với sự giới thiệu nhiệt tình của các đoàn làm phim nước ngoài như ekip “Kong – Đảo đầu lâu” đang làm chính là cơ hội để ngành Du lịch Việt Nam đạt những dấu mốc ấn tượng trong thời gian tới. Và chúng ta có quyền chờ đợi vào sự mới mẻ đó khi mà đạo diễn phim Kong: Skull Island - Jordan Roberts làm Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020.