“Cơn sốt” phim ngoại lồng tiếng
Với những khán giả yêu phim điện ảnh, việc được xem các bộ phim lồng tiếng không còn xa lạ. Tuy nhiên, định dạng này thường tập trung ở dòng phim Hồng Kông (Trung Quốc) thập niên 1980, 1990 và các bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em.
Trong hơn nửa năm trở lại đây, các nhà phát hành Việt đã chọn việc phát hành song song cả phiên bản phụ đề và lồng tiếng cho một số dự án phim điện ảnh châu Á, với mong muốn thu hút khán giả Việt ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
“Gia tài của ngoại” (Thái Lan) là bộ phim ngoại đầu tiên có diễn viên đóng có bản lồng tiếng ở rạp Việt. Phim phát hành vào tháng 6/2024 và nhanh chóng thu hút khán giả nhờ nội dung gần gũi, cảm động cùng diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên và nhanh chóng dắt túi hơn 89 tỷ đồng trên phòng vé.
2 tháng sau đó (tháng 8/2024), “Đẹp trai thấy sai sai” (Handsome Guys) là bộ phim ngoại tiếp theo có bản lồng tiếng tại Việt Nam. Tác phẩm đến từ xứ kim chi ghi điểm nhờ cốt truyện dễ xem, dễ cảm, hài hước nhưng không sáo rỗng mà khéo léo lồng ghép nhiều thông điệp.
Đây cũng là lý do dù bộ phim thực hiện với kinh phí khiêm tốn 4,6 tỷ won (3,2 triệu USD) nhưng đã thu về 1,77 triệu lượt xem tại Hàn Quốc, doanh thu 16,5 tỷ won (11,4 triệu USD), đạt mức lợi nhuận 336%.
Tại Việt Nam, so với bản phụ đề, bản lồng tiếng nhận được sự yêu thích của khán giả. Lời thoại Việt hóa với những câu thoại “bắt trend” (xu hướng), các từ ngữ đậm chất gen Z như: mỏ hỗn, ô dề, ra vẻ… được đánh giá cao. Phim đạt doanh thu 57 tỷ đồng tại rạp Việt.
|
“Đẹp trai thấy sai sai” là phim Hàn Quốc đầu tiên có bản lồng tiếng tại rạp Việt. Ảnh: GLX |
Tháng 11/2024, bộ phim hài “Cười xuyên biên giới” của đạo diễn Kim Chang Ju ra rạp Việt và hấp dẫn khán giả với câu chuyện giải trí, dễ tiếp cận và hợp thị hiếu đại chúng. Cùng với đó, diễn xuất duyên dáng của dàn cast tài năng (Ryu Seung Ryong, Jin Sun Kyu, Go Kyung Pyo) và phần lồng tiếng của Kiều Minh Tuấn, Trung Lùn cũng là điểm nhấn, giúp tác phẩm thu về 69,4 tỷ đồng.
Vào dịp cuối năm 2024, phim kinh dị “404: Chạy ngay đi” (Thái Lan) là tác phẩm lồng tiếng tiếp theo gây sốt trên phòng vé nội địa. Dù tại quê nhà, bộ phim có màn ra mắt ảm đạm với khoảng 22 triệu baht (16 tỷ đồng), sau 2 tuần công chiếu. Nhưng cùng với khoảng thời gian này, tác phẩm của đạo diễn Pichaya Jarusboonpracha lại thu tới 75 tỷ đồng tại rạp Việt, và rời rạp với doanh thu 105 tỷ đồng.
Phim nhận sự quan tâm của khán giả nhờ nội dung hài hước, giải trí. Cạnh đó, việc sử dụng ca khúc “Xuân thì” (sáng tác và thể hiện Phan Mạnh Quỳnh), màn cameo (khách mời) của Uyển Ân và phiên bản lồng tiếng duyên dáng giúp phim tăng độ nhận diện và kéo dài thời gian tại rạp.
|
Phim kinh dị “404: Chạy ngay đi” đạt doanh thu 105 tỷ đồng trên phòng vé Việt. Ảnh: GLX |
Bộ phim “Chuyện nhà bánh xếp” (Hàn Quốc) ra rạp tại Việt Nam vào dịp Giáng sinh cũng có phiên bản lồng tiếng. Dù câu chuyện phim được đánh giá cao, để lại nhiều suy nghĩ về tình thân và ý nghĩa thực sự của gia đình, diễn xuất của Kim Yun Seok và Lee Seung Gi cũng cho thấy sự ăn ý; tuy nhiên, doanh thu bộ phim ở Việt Nam gây tiếc nuối khi chỉ đạt 1,4 tỷ đồng.
Hay với phim “Trẻ trâu không đùa được đâu” (Thái Lan) ra rạp ngày đầu năm 2025, dù có sự tham gia lồng tiếng của diễn viên nhí Gia Huy, cặp đôi Lê Lộc - Tuấn Dũng, diễn viên Tú Trinh, Năm Chà, Maika, Ngọc Duyên, Công Danh... và được đạo diễn - NSƯT Vũ Thành Vinh (CEO Truyền thông Khang - đơn vị phối hợp cùng CGV Việt Nam nhập phim về Việt Nam) kỳ vọng sẽ “chạm” đến khán giả trẻ, nhưng doanh thu dừng ở con số 308 triệu đồng.
Hướng đi mới thách thức nhưng đầy cơ hội
Với những thành công bước đầu của các bộ phim ngoại lồng tiếng tại Việt Nam, có thể thấy được tiềm năng của dòng phim này, khi không chỉ được khán giả yêu thích mà còn phù hợp với các khán giả lớn tuổi - những người đôi khi không thể đọc kịp phụ đề trên màn ảnh.
Trước đó, theo công bố của đại diện nhà phát hành CGV Việt Nam, trong năm 2025 sẽ có nhiều phim điện ảnh châu Á được phát hành song song 2 phiên bản. Gần nhất, phim kinh dị Thái Lan phát hành dịp Valentine (14/2) - “Ride: Giao hàng cho ma” (Mario Maurer, Freen Sarocha Chankimha đóng chính) đang ghi nhận thành tích tốt trên phòng vé.
Với 162.236 vé bán ra trên 3.227 suất chiếu trong 3 ngày cuối tuần, phim dắt túi 14,6 tỷ đồng. Doanh thu hiện tại (sau chưa đầy 1 tuần công chiếu) đạt 21,2 tỷ đồng, lọt top 3 phim kinh dị Thái bán chạy nhất mọi thời đại tại Việt Nam sau tuần đầu mở bán.
|
“Ride: Giao hàng cho ma” lọt top 3 phim kinh dị Thái bán chạy nhất mọi thời đại tại Việt Nam. Ảnh: CGV |
Bộ phim ghi điểm với khán giả nhờ cốt truyện đơn giản, kết hợp yếu tố kinh dị, hài hước, tình cảm. Nếu ở bản phụ đề, người xem bật cười vì tình huống, cùng nét diễn duyên dáng của các nhân vật thì ở phiên bản lồng tiếng lại là “sân chơi” để NSND Hồng Vân, Võ Tấn Phát, Mạc Văn Khoa, Huỳnh Thanh Trực, Huỳnh Bảo Ngọc… “tung hoành”.
Trong số các diễn viên lồng tiếng của “Ride: Giao hàng cho ma”, Mạc Văn Khoa là người tạo ấn tượng nhất. Khán giả nhận xét, chất giọng Hải Dương đặc trưng của nam diễn viên khi lồng tiếng vai Yod, chỉ mới cất giọng lên đã đủ gây cười.
Ngoài ra, vào ngày 8/3, bộ phim “Yêu vì tiền, điên vì tình” (Love Lies) của Hồng Kông (Trung Quốc) ra rạp Việt với sự tham gia lồng tiếng của Hồng Đào và Quốc Trường.
Chia sẻ cùng Báo Pháp luật Việt Nam về việc phát hành song song bản phim phụ đề và lồng tiếng cho phim ngoại, đặc biệt là dòng phim châu Á, NSƯT Vũ Thành Vinh khẳng định, điều này sẽ giúp cho thị trường điện ảnh Việt trở nên phong phú và khán giả có thêm nhiều lựa chọn.
“Tôi thấy, hiện nay khi ra rạp xem phim, khán giả Việt Nam đã bắt đầu thích văn hóa lồng tiếng bản địa. Vì vậy, tôi tin rằng, không chỉ riêng chúng tôi mà nhiều nhà phát hành cũng sẽ khai thác thêm phiên bản này. Thực tế thì, thị trường phim nội địa đang rất khốc liệt. Cơ hội có, thách thức cũng có. Con đường nào cũng khó khăn, nhưng nếu không làm thì không thể có kinh nghiệm được”.
|
Theo NSƯT Vũ Thành Vinh, việc phát hành phiên bản phụ đề và lồng tiếng của phim ngoại giúp khán giả có thêm nhiều lựa chọn. Ảnh: CGV |
Cũng theo đạo diễn phim “Hai Muối”, việc tham gia vào thị trường nhập phim ngoại về Việt Nam, giúp anh và các nhân viên của mình có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu hơn về thị hiếu và thời điểm phát hành phù hợp cho từng thể loại phim.
“Thực ra tôi không cần phim mình nhập về phải ở top đầu phòng vé, chỉ cần đứng thứ 4, thứ 5 thôi cũng được. Vì với phim mua về, doanh số mỗi một ngày không phải là con số rất lớn mới có lãi.
Cá nhân tôi sau khi mang phim về Việt Nam, tôi biết được phim nào cần ưu tiên lợi nhuận, phim nào cần ưu tiên trải nghiệm, học hỏi. Tựu trung lại, điều tôi mong muốn hơn cả là tất cả các nhà sản xuất, phát hành cùng với nhau mang lại cho khán giả đời sống điện ảnh tốt hơn”.