Phim ngắn phản cảm trên mạng: Cần mạnh tay xử lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để “câu view”, nhiều cá nhân và trang mạng đã sản xuất những phim ngắn có nội dung đi ngược thuần phong mỹ tục, gây bức xúc trong cộng đồng.
Một trang mạng sản xuất nhiều phim ngắn có nội dung phản cảm. (Ảnh chụp màn hình)
Một trang mạng sản xuất nhiều phim ngắn có nội dung phản cảm. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều phim ngắn nội dung độc hại

Gần đây, mạng xã hội thường xuất hiện nhiều video phim ngắn với nhiều đề tài. Các phim ngắn này do một số nhóm thực hiện, chủ yếu đáp ứng nhu cầu “xem nhanh”, giải trí đơn giản của người dùng mạng nên nội dung khá đơn giản, thậm chí thô sơ. Diễn viên chỉ có khoảng vài người thay phiên đảo vai để đóng nhiều phim với nhiều nội dung khác nhau.

Các phim thường xoay quanh vài chủ đề “ăn khách”, như chuyện tình tay ba, ngoại tình, bạo hành gia đình, mẹ chồng nàng dâu, hoặc mô típ “chủ tịch giả nghèo và cái kết” với nội dung một người có quyền thế, giàu có, giả nghèo khổ, bị ức hiếp sau đó trừng trị kẻ ác.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như các phim ngắn này đơn thuần giải trí, thông qua đó phản ánh những góc cạnh của xã hội, đem lại một thông điệp nào đó mang tính nhân văn. Nhưng hiện nay trên mạng nhan nhản những phim ngắn có nội dung phản cảm, khai thác những yếu tố giật gân để “câu view”. Có nhóm lấy tên khiến người dùng hiểu lầm là nhóm sinh viên làm phim, thực chất sản xuất những phim ngắn có nội dung suy đồi.

Đơn cử một phim ngắn mới ra mắt của nhóm này kể câu chuyện người vợ có chồng ngoại tình, người chồng không những không ăn năn mà vu cáo cho vợ phản bội với lý do vô lý, sau đó đưa nhân tình về nhà ngay trước mặt vợ và đánh đập hành hạ, bắt vợ phục vụ như nô lệ…

Hay một phim ngắn khác, kể chuyện một anh chàng đưa nhân tình lớn tuổi về nhà, nói dối vợ là chị gái mình, sau đó lén lút qua lại với nhân tình ngay trong nhà và bàn kế hoạch hãm hại, chiếm đoạt tài sản của vợ.

Có cả những nội dung “khó tin” như chuyện người mẹ chồng không biết vì sao ác cảm, căm ghét con dâu đến mức thường xuyên bịa chuyện với con trai để chia rẽ tình cảm vợ chồng, thậm chí thuê giang hồ đột nhập vào nhà xâm hại con dâu và gọi con trai về bắt quả tang vợ ngoại tình… Một số nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục khác như chuyện loạn luân...

Những phim ngắn với nội dung “vặn vẹo”, thiếu nhân tính ấy không chỉ được thể hiện bằng lối diễn xuất cường điệu, gượng ép, mà còn đi kèm những chi tiết phản cảm với người xem: Nhân vật ăn mặc hở hang, những cảnh giường chiếu thô lậu, cảnh bạo hành, cãi vã thô thiển... Những yếu tố này khiến nhiều sản phẩm phim ngắn trôi nổi trên mạng trở thành món ăn tinh thần đầy độc hại đối với công chúng.

Khi khán giả bị “ép” phải xem

Điều đáng nói là, hiện nay, dưới sự “bùng nổ” của các nền tảng mạng xã hội, trong sự chạy đua “câu view”, kiếm tiền, nhiều kênh luôn trong trạng thái “khát” nội dung mới, cần view cao độ. Vì thế, họ bất chấp các loại hình clip và nội dung, miễn có thể khiến người xem chú ý. Không chỉ sản xuất các phim ngắn như trên, nhiều nền tảng còn “đầu độc” người xem bằng nhiều thủ thuật, như bỏ tiền chạy quảng cáo trên mạng để tăng cường tiếp cận khán giả, thậm chí khiến họ “không thể không xem”.

Bên dưới nhiều phim ngắn độc hại, bình luận khán giả để lại đa số là phản ứng tiêu cực chứ không hề ủng hộ. Nhiều khán giả cho biết, họ không chủ động xem phim, nhưng những thước phim ngắn cứ liên tục “đập vào mắt”, mặc dù họ cũng không theo dõi các trang phim nói trên. Nhiều khán giả còn cho biết, hễ cứ lướt mạng là lại thấy đi thấy lại các phim này. Một số khán giả thậm chí đã ẩn video, nhưng không hiểu bằng cách nào, sau đó các video tương tự lại tiếp tục tiếp cận họ.

Nguy hại hơn, nếu trẻ em hay lứa tuổi vị thành niên tiếp cận phải những video trên thì nỗi lo hiện hữu là nhân sinh quan méo mó, lệch lạc của phim sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và sự phát triển tâm trí, tâm hồn của các em.

Các trang mạng sản xuất và tung phim ngắn với nội dung phản cảm này đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa bị xử lý nghiêm. Nếu như cơ quan quản lý không kịp thời chấn chỉnh, xử lý mạnh tay, những phim ngắn như trên và các “biến thể” của nó sẽ tiếp tục hoành hành như một thứ “rác văn hoá” ô nhiễm trên không gian mạng, “đầu độc” người dùng các lứa tuổi.