Phổ biến Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền dân sự, chính trị

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện Đề án đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị năm 2017.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật, pháp lệnh mới ban hành hoặc có hiệu lực năm 2016 và 2017 như: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật căn cước công dân; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Báo chí; Luật Trẻ em, Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản pháp luật khác có quy định về quyền dân sự, chính trị của công dân; thông tin về tình hình thực hiện các quyền dân sự, chính trị tại bộ, ngành, đoàn thể, địa phương mình. 

Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, tình hình của cơ quan, địa phương mình, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Trong đó tập trung vào các hình thức tuyên truyền, phổ biến như: Phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành tờ gấp; treo mắc pa - nô, áp - phích, tờ lịch phổ biến tại các điểm công cộng; tổ chức hội nghị giới thiệu, phổ biến pháp luật; lồng ghép trong giải quyết thủ tục hành chính, cấp giấy tờ công dân…

Cũng theo văn bản của Bộ Tư pháp, các hoạt động chính thực hiện Đề án bao gồm tổ chức cung cấp thông tin, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; Tăng cường thông tin, phổ biến pháp luật về quyền dân sự, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên, giáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng.

Tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, quán triệt pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý (có thể lồng ghép việc bồi dưỡng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức) hoặc cấp phát tài liệu cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để tự nghiên cứu tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên báo chí, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, tổ chức bồi dưỡng pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng. Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Đề án.

Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí thực hiện Đề án năm 2017. 

Đọc thêm