Bên lề Hội nghị trực tuyến triển khai Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2014 của TAND các cấp do TANDTC tổ chức hôm qua - 10/4, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, nếu trong vụ án “5 công an dùng nhục hình gây chết người ở TP.Tuy Hòa” phát hiện cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, xét xử chưa đúng pháp luật thì phải hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Hủy án nếu án sơ thẩm sai pháp luật
Xin ông cho biết, TANDTC đã chỉ đạo thực hiện yêu cầu của Chủ tịch nước liên quan đến vụ án dùng nhục hình ở Tuy Hòa (Phú Yên) như thế nào?
- Trên tinh thần vụ án nào cũng phải đảm bảo trình tự theo qui định pháp luật nên ngay sau khi có thông tin báo chí đưa về vụ án này, TANDTC đã chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên báo cáo về việc xét xử và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của TANDTC xem xét, nghiên cứu về tính hợp pháp của việc xét xử của TAND TP. Tuy Hòa trong vụ án. Thứ hai (ngày 14/4), Đoàn công tác của TANDTC sẽ vào trực tiếp nghe báo cáo và cần thiết có thể nghiên cứu hồ sơ, phối hợp TAND tỉnh Phú Yên hướng dẫn giải quyết vụ án này đúng tinh thần pháp luật.
Qua thông tin báo chí, theo ông, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
- Vì không có hồ sơ nên phản ánh của báo chí chỉ là một nguồn thông tin. Nhưng nói chung TANDTC đã chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên nghiêm túc xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm nếu có kháng cáo. Nếu vụ án không có kháng cáo, TANDTC sẽ chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu có kháng cáo, qua tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, phát hiện cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, xét xử chưa đúng pháp luật thì phải hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nếu tại phiên tòa làm rõ được có tội phạm mới (người phạm tội chưa bị khởi tố) thì TAND tỉnh Phú Yên có quyền khởi tố hoặc kiến nghị VKSND xem xét trách nhiệm đối với người bị bỏ lọt và phải xử lý vụ án theo đúng qui định pháp luật.
Không nghe gì về thông tin “chịu sức ép” khi xét xử
Chánh án TAND TP.Tuy Hòa cho biết phải chịu nhiều sức ép khi xét xử vụ án này khiến dư luận rất bức xúc. TANDTC có nghe thấy dư luận này?
- Chúng tôi không nghe dư luận gì về tác động hay gì đó liên quan đến kết quả xét xử vụ án ở TP.Tuy Hòa. Tuy nhiên, mỗi ngày trung bình cả nước, Tòa án phải xét xử khoảng 1.000 vụ án nên TANDTC không thể nắm hết được thông tin về các vụ án mà chỉ khi dư luận, báo chí nêu thì mới nắm được. Việc giải quyết các vụ án là bình thường, vấn đề là giải quyết phải làm sao để dư luận không thắc mắc.
Ông bình luận ra sao về ý kiến của nguyên Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương cho rằng, không thể xử vụ án này theo tội danh “dùng nhục hình” mà phải đổi tội danh?
- Thường gây chết người trong quá trình làm việc được là xác định thành tội danh “xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ”. Trong vụ việc này, TANDTC chưa có hồ sơ nên chưa thể khẳng định là tội gì nhưng có thể chắc chắn hồ sơ thể hiện như thế nào về bản chất sự việc thì sẽ có tội danh tương ứng.
Ông có cho rằng Bộ Công an hay Cục Điều tra của VKSNDTC cần phải rút hồ sơ vụ án này lên để điều tra không?
- Mỗi loại tội có đặc thù, cấu thành riêng, nếu đã rõ thì không cần thiết phải rút hồ sơ lên.
Khó giải quyết khi có lời khai bị dùng nhục hình
Lâu nay vẫn có tình trạng bị cáo khai tại Tòa là bị nhục hình trong quá trình điều tra. Với tinh thần cải cách tư pháp, TANDTC có biện pháp gì để làm rõ, xem xét, giải quyết khi có những lời khai như vậy?
- Vấn đề này phụ thuộc việc xây dựng pháp luật tố tụng hình sự. Hiện TANDTC đã có nhiều đề xuất để có các qui định pháp luật giúp ngành Tòa án thực hiện tốt các quyền tư pháp, bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân nhưng còn phải chờ cơ quan thẩm quyền quyết. Mà luật chưa qui định rõ về vấn đề việc Tòa án triệu tập điều tra viên để làm rõ lời khai của bị cáo về việc có dùng nhục hình nên rất khó cho thực tiễn, làm người ta ngại, không biết giải quyết như thế nào khi rơi vào tình huống này.
Có ý kiến cho rằng cơ chế hội thẩm nhân dân hiện đang tạo ra oan sai, ông có nghĩ cần có sự thay đổi cơ chế này?
- Chắc là cần xem xét thay đổi số lượng hội thẩm nhân dân và thẩm phán ở các phiên tòa sơ thẩm vì Hiến pháp 2013 tuy không qui định hội thẩm nhân dân ngang quyền thẩm phán nhưng giữ qui định “biểu quyết theo đa số” thì thực chất vẫn là ngang quyền nên theo một số ý kiến, như vậy là có vấn đề. Tuy nhiên, cơ chế hội thẩm nhân dân là mang tính nhân dân, để bảo vệ quyền lợi của nhân dân nên cần phải xem xét cẩn trọng.