Phó Giám đốc Đài PTTH huyện Kỳ Sơn bị “buộc án, gán tội”?

Cáo trạng truy tố Phó Giám đốc Đài PT-TH huyện Kỳ Sơn về tội tham ô tài sản với những lý lẽ thiếu thuyết phục, trong khi nhiều lần CQĐT Công an huyện Kỳ Sơn khẳng định không đủ bằng chứng buộc tội...

Cáo trạng truy tố Phó Giám đốc Đài PT-TH huyện Kỳ Sơn về tội tham ô tài sản với những lý lẽ thiếu thuyết phục, trong khi nhiều lần CQĐT Công an huyện Kỳ Sơn khẳng định không đủ bằng chứng buộc tội...

Do có tố cáo về sai phạm trong quản lý tài chính tại Đài PT-TH huyện Kỳ Sơn nên Sở Tài chính Hòa Bình đã thanh tra và kết luận, lãnh đạo Đài đã có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, có dấu hiệu phạm tội nên chuyển CQĐT giải quyết.

CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Đài và kế toán Nguyễn Thị Nam, thủ quỹ Nguyễn Hồng Thái về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; ông Tuấn và bà Nam còn bị khởi tố về tội tham ô tài sản.

Theo KLĐT của CQĐT huyện Kỳ Sơn, trong niên độ ngân sách từ 2006 đến 2010, Đài PT-TH huyện Kỳ Sơn đã sử dụng ngân sách không đúng mục đích và dự toán được duyệt.

Trong đó, ông Tuấn đã chỉ đạo và duyệt chi nhiều khoản không có trong dự toán, như chi tiền lễ, tết cho các lãnh đạo Đài, sử dụng tiền làm “phong bì” trong quan hệ đối ngoại với các cơ quan khác và chi tiền nghỉ mát cho cơ quan. Các khoản chi không đúng mục đích và dự toán được duyệt đã được hợp thức hóa vào các khoản chi hợp pháp bằng chứng từ, hóa đơn… mua ngoài với tổng số hơn 217 triệu đồng.

Trong các khoản chi không đúng trên, CQĐT cho rằng năm 2008 và 2010, việc ông Tuấn nhiều lần cho phép chi tiền tết cho 4 cá nhân của Đài là ông Tuấn, bà Nam, ông Thái và ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc (mỗi người 3 triệu đồng) có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”. Vì thế, ông Tuấn và kế toán Nam còn bị khởi tố về tội tham ô tài sản với tình tiết “phạm tội nhiều lần”. Riêng đối với thủ quỹ Thái và Phó Giám đốc Tứ do không biết tiền được chia là tiền ngân sách nên không có căn cứ kết tội tham ô tài sản.

Tuy nhiên, VKSND huyện Kỳ Sơn đã 3 lần trả hồ sơ yêu cầu CQĐT điều tra và kết luận về hành vi “Tham ô tài sản” của ông Tứ và ông Thái.

Trong KLĐT bổ sung lần lần 1 ngày 24/8/2012, CQĐT kết luận: “Không đủ căn cứ chứng minh ý thức chủ quan của ông Tứ và Thái để khởi tố về tội tham ô tài sản”. KLĐT lần thứ 2 ngày 25/10/2012, CQĐT kết luận ông Thái đồng phạm tham ô tài sản nhưng khẳng định không đủ căn cứ kết tội ông Tứ vì với vai trò phụ trách chuyên môn, không duyệt chi kinh phí của Đài nên khi được nhận tiền lễ tết, ông Tứ đã không biết rõ về nguồn tiền.

Song, những kết luận trên không thỏa mãn yêu cầu của VKS nên tiếp tục bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 27/12/2012, trong KLĐT bổ sung lần 3, CQĐT đã kết luận ông Tứ cũng phạm tội tham ô vì theo lời khai của ông Tứ, ngày 7/10/2010, ông Tuấn gọi ông Tứ sang phòng  và nói rõ số tiền được chia là “hỗ trợ tổ hành chính nâng cao đời sống”.

Sau đó, ông Tứ được chia 500 nghìn đồng. Từ đó, CQĐT kết luận ông Tứ nhận tiền nhiều lần và biết tiền này là từ ngân sách thông qua những người có trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước cấp.

Ngày 15/1/2013, VKSND huyện Lương Sơn có cáo trạng truy tố các bị cáo về hai tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. Riêng với ông Tứ, việc ông có 5 lần được chia lễ, tết với số tiền 3 triệu đồng bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” với khung hình phạt lên đến 15 năm tù khiến dư luận nghi ngờ về việc buộc án gán tội...

Việc được nhận tiền nhân các ngày lễ, tết đã bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” đang có nhiều uẩn khúc. Liệu có một oan án trong vụ việc này hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng - Trưởng VPLS Trí Việt - để làm rõ vấn đề này:

Thưa Luật sư, VKS cho rằng, các cán bộ chủ chốt của Đài PT-TH Kỳ Sơn phạm tội tham ô tài sản vì đã chi tiền lễ tết trái pháp luật cho chính họ, theo ông có căn cứ hay không?

- Theo KLĐT, những khoản tiền được chi cho các cán bộ chủ chốt của Đài nhân dịp lễ, tết đã nằm trong số tiền chi tiền không đúng mục đích và dự toán ngân sách, gây thiệt hại cho Nhà nước. Hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế đã bao gồm tất cả những quyết định quản lý tài chính, chi tiêu ngân sách không đúng pháp luật, trong đó có việc thưởng lễ, tết cho cán bộ chủ chốt. Vì thế, tôi cho rằng chỉ cần xem xét các cá nhân trên chỉ phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với trường hợp người nhận tiền lễ tết mà không biết nguồn tiền và không phải là người quyết định chi tiền thì có phạm tội tham ô hay không?

- Đây là vấn đề gây tranh cãi nhất và phải làm rõ. Đối với những người không phải là người có thẩm quyền quản lý tài khoản và ra quyết định chi tiêu, khi họ được nhận tiền lễ tết thì không thể kết luận họ tham ô tài sản, kể cả họ có biết về nguồn tiền hoặc đề xuất chế độ lễ tết. Vì, số tiền này không thuộc quyền quản lý của họ.

Một vấn đề nữa trong vụ án này mà tôi thấy VKS truy tố chưa đúng đó là tình tiết “phạm tội nhiều lần”. Tội tham ô phải thỏa mãn dấu hiệu “chiếm đoạt tiền thuộc quyền quản lý từ 2 triệu đồng trở lên”. Phạm tội nhiều lần là phải thỏa mãn mỗi lần phạm tội, số tiền tham ô phải từ 2 triệu đồng trở lên.

Trong vụ án này, các bị can có 5 lần được nhận tiền lễ tết, mỗi lần đều chỉ 500 nghìn và duy nhất 1 lần có số tiền 1 triệu đồng. Nếu tổng hợp toàn bộ số tiền trên lại thì mới phạm tội tham ô. Vì thế, truy tố các bị can “phạm tội nhiều lần” là không đúng pháp luật.                                    

Xin cảm ơn ông.

Bình Minh

Đọc thêm