Gương sáng Pháp luật

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Nguyễn Duy Sụn: Người cán bộ tận tâm nơi địa đầu Tổ quốc

(PLVN) - Với nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng cao về chấp hành đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Sở Tư pháp tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Nguyễn Duy Sụn, người luôn đầy ắp nhiệt huyết và trăn trở với công tác Tư pháp nơi địa đầu Tổ quốc.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Nguyễn Duy Sụn, người luôn đầy ắp nhiệt huyết và trăn trở với công tác Tư pháp nơi địa đầu Tổ quốc.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến pháp luật

Là người con sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Duy Sụn, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang luôn xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực thi các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi, tự do của công dân, đảm bảo tính công bằng trong xử lý các vụ việc pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông luôn cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, ông đã trở về quê hương cống hiến cho sự nghiệp tư pháp của tỉnh.

Là tỉnh miền núi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống với đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế…

Đa dạng các hình thức PBGDPL (Ảnh STP Hà Giang)

Đa dạng các hình thức PBGDPL (Ảnh STP Hà Giang)

Ông Nguyễn Duy Sụn cho biết: “Vùng núi cao, vùng sâu, biên giới là những địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là những vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng của đất nước. Từ các chính sách quan tâm, đầu tư cho vùng đặc biệt quan trọng này, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng ưu tiên đầu tư, phát triển đưa kinh tế - xã hội phát triển và đời sống Nhân dân nơi đây cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế, do đó tình trạng người dân vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết pháp luật vẫn còn xảy ra, đặc biệt là tuyến biên giới, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặt bằng dân trí thấp, trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra phổ biến hơn.

Xác định nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là các dân tộc khu vực biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, Sở Tư pháp Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật phong phú, phù hợp với từng đối tượng, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và nơi biên giới nói riêng.

Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện Vị Xuyên phối hợp tổ chức Hội thi tìm hiểu văn hóa các dân tộc bài trừ các hủ tục lạc hậu (Ảnh STP Hà Giang)

Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện Vị Xuyên phối hợp tổ chức Hội thi tìm hiểu văn hóa các dân tộc bài trừ các hủ tục lạc hậu (Ảnh STP Hà Giang)

Cùng với đó, hằng năm, Sở Tư pháp đều sớm xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Gần dân để hiểu rõ “nhu cầu” pháp luật

Trong công tác PBGDPL, Phó Giám đốc Nguyễn Duy Sụn nêu rõ, mỗi địa phương, mỗi dân tộc đều có một đặc điểm riêng về trình độ nhận thức, đặc điểm văn hóa… do đó, trong sự nghiệp đưa pháp luật đến với từng người dân, ông xác định việc phổ biến, giáo dục pháp luật phải xuất phát trên cơ sở định hướng phát triển chung của tỉnh, từ tình hình thực tế của cơ sở, đồng thời phải dựa vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, người uy tín trong cộng đồng dân cư... Cùng với đó, cách triển khai phải phù hợp với trình độ dân trí người dân vốn không đồng đều; mật độ, phân bố dân cư trải rộng từ đô thị đến nông thôn, miền núi; một số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng sâu, xa, vùng biên giới; nhu cầu về nắm bắt các kiến thức pháp luật của người dân khác nhau.

Một buổi tuyên truyền, PBGDPL tại chợ phiên xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Ảnh STP Hà Giang)

Một buổi tuyên truyền, PBGDPL tại chợ phiên xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Ảnh STP Hà Giang)

Người Báo cáo viên hết lòng vì nhiệm vụ

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn chính, ông Nguyễn Duy Sụn luôn tích cực nghiên cứu tài liệu để thực hiện tốt vai trò Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, ông đã trực tiếp tham gia làm báo cáo viên tại 25 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, về chuẩn tiếp cận, theo dõi thi hành pháp luật....

“Để buổi tuyên truyền, PBGDPL đạt hiệu quả cao, nội dung PBGDPL cần bám sát nhu cầu người dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Trước khi thực hiện buổi PBGDPL người báo cáo viên cần quan tâm khảo sát, nắm bắt nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người được PBGDPL, từ những đặc điểm cụ thể của từng đối tượng, người báo cáo viên phải lựa chọn những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp, gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nói những điều dân cần, chứ không phải nói cái mình biết.” - Ông Nguyễn Duy Sụn nhấn mạnh

Ông Nguyễn Duy Sụn người Báo cáo viên sắc sảo và đầy nhiệt huyết.

Ông Nguyễn Duy Sụn người Báo cáo viên sắc sảo và đầy nhiệt huyết.

Trong quá trình công tác của mình, ông kể lại, trước khi thực hiện báo cáo một chuyên đề, bao giờ ông cũng dành thời gian tìm hiểu về đối tượng mình tiếp cận, đặc điểm dân tộc, phong tục để có cách lồng ghép các nội dung thiết thực, hiệu quả nhất… đôi khi ông cũng dành cả thời gian để học cả tiếng của dân tộc đó để truyền đạt cho người dân có thể hiểu được chính xác nội dung vì nhiều khu vực người dân cũng không thông thạo tiếng phổ thông để hiểu rõ, đúng về pháp luật.

“Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi gắn phổ biến trực tiếp với tổ chức cho nhân dân xem video, hình ảnh trực quan, sinh động, qua đó cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, không vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết. Đồng thời, triển khai nhiều cách làm, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Từ việc phát huy hiệu quả phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh, loa lưu động; pa nô, áp phích; tờ gấp; tài liệu đến tổ chức Hội thi sân khấu hóa; qua phiên chợ; qua xét xử công khai lưu động…, qua đó nhiều văn bản pháp luật mới, có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp đã được phổ biến.” - Ông Nguyễn Duy Sụn chia sẻ

Đồng thời ưu tiên các báo cáo viên biết nói tiếng của đồng bào, hiểu phong tục, tập quán, giải thích cặn kẽ khi người dân chưa hiểu. Bên cạnh đó, phối hợp với những người uy tín trong thôn như một cầu nối để gắn kết với người dân địa phương, từ đó, nhận thức pháp luật của bà con được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực hiểu và chấp hành pháp luật. Ông nhấn mạnh, những người uy tín trong thôn, các già làng, trưởng bản là những người “gần dân, bám dân”, hiểu rõ nhu cầu, phong tục của người dân nên chắc chắn dân sẽ nghe theo, do đó đây là lực lượng quan trọng để đưa pháp luật đến với từng người dân, bản làng.

Hiểu được công tác PBGDPL không phải nhiệm vụ riêng của một ngành hay lĩnh vực, mà cần sự vào cuộc chung tay của cả hệ thống chính trị, ông Nguyễn Duy Sụn đã tham mưu UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh chỉ đạo các ngành: Công an, Giáo dục và đào tạo, Thương binh và xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Phụ nữ... thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL. Cụ thể, Sở phối hợp với UBND cấp huyện và các ngành, đoàn thể tổ chức 18 Hội nghị tuyên truyền tại cấp huyện, xã; phối hợp với Biên phòng tỉnh tổ chức phổ biến lồng ghép với sân khấu hóa tại 11 xã, thị trấn biên giới; 9 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ Tuyên truyền viên, Hòa giải viên; Biên soạn 16 loại đề cương, 15 loại tờ gấp/15.000 tờ để làm tài liệu tuyên truyền. Tổ chức tập huấn, triển khai các nội dung liên quan tới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên 11 huyện, thành phố.

Để nâng cao công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh bên cạnh công tác chỉ đạo, ông Nguyễn Duy SỤn cũng tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.

Để nâng cao công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh bên cạnh công tác chỉ đạo, ông Nguyễn Duy SỤn cũng tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.

Việc đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền PBGDPL đã giúp người dân, nhất là đồng bào các dân tộc dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa các chính sách pháp luật lan tỏa vào cuộc sống, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Người dân biết tự bảo vệ mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền pháp luật của Sở đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong tỉnh, nhất là đối với bà con các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đưa kiến thức pháp luật đến người dân biên cương

Với đặc điểm là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, Phó Giám đốc Nguyễn Duy Sụn luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân khu vực biên giới là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện thường xuyên, liên tục.

Trước nhiệm vụ quan trọng đó, thực hiện Chương trình đối ngoại giữa tỉnh Hà Giang, Việt Nam và Châu Văn Sơn, Trung Quốc giai đoạn 2023-2026, Phó giám đốc Nguyễn Duy Sụn đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Đoàn công tác và Hội đàm với Cục Tư pháp Châu Văn Sơn, Trung Quốc, thăm, học hỏi một số mô hình PBGDPL, hòa giải ở cơ sở ở một số địa phương thuộc Châu Vân Sơn, Trung Quốc. Phối hợp tổ chức lễ tuyên truyền chung pháp luật tại cửa khẩu Đô Long - Xín Mần thành công tốt đẹp.

Bên cạnh đó, hằng năm thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang với Cục Tư pháp Châu Văn Sơn, Trung Quốc sơ kết công tác phối hợp PBGDPL cho nhân dân khu vực biên giới của hai bên giáp ranh và Hội đàm thống nhất nội dung triển khai phối hợp năm tiếp theo; thực hiện soạn thảo đề cương tuyên truyền, tờ gấp song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung để trao đổi cho Cục Tư pháp Châu Văn Sơn, Trung Quốc để tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới nước bạn. Cụ thể, Sở đã biên soạn 10 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật để dịch song ngữ Việt –Trung làm tài liệu tuyên truyền chung; cấp phát trên 10.000 tờ gấp pháp luật bằng song ngữ Việt - Trung cho nhân dân khu vực biên giới hai nước đối đẳng và các xã giáp biên của huyện Xín Mần, Mèo Vạc.

Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Hội đàm với Cục Tư pháp Châu Văn Sơn, Trung Quốc.

Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Hội đàm với Cục Tư pháp Châu Văn Sơn, Trung Quốc.

Phó Giám đốc Nguyễn Duy Sụn chia sẻ: “Các địa bàn có chung đường biên giới với Trung Quốc thường là khu vực miền núi, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần, phong tục, tập quán của người dân còn nghèo nàn, lạc hậu, vấn đề nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, đó cũng là một trong những nguyên nhân mà các đối tượng xấu luôn lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phạm tội như mua bán phụ nữ, trẻ em, đưa người sang nước ngoài trái phép, phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng không làm thủ tục đăng ký kết hôn… Do đó, Sở thường xuyên chỉ đạo các địa phương biên giới tăng cường công tác PBGDPL, trong đó xác định cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp để cho người dân dễ tiếp thu và dễ thực hiện, tuân thủ”.

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, Phó Giám đốc Nguyễn Duy Sụn đã tham mưu Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh chỉ đạo các huyện biên giới tại các xã biên giới và một số xã nội địa lân cận phát được trên 8.000 tờ gấp cho nhân dân có nội dung liên quan bảo vệ biên giới. Chỉ đạo việc củng cố kiện toàn, tập huấn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật ở các huyện biên giới và các xã, thị trấn biên giới trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo củng cố, kiện toàn, tập huấn kiến thức chuyên môn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đặc biệt là các xã, thị trấn biên giới, cung cấp tài liệu đề cương phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở; trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp với Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh trong tổ chức triển khai Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp với Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh trong công tác PBGDPL cho nhân dân khu vực biên giới.

Với phương châm dựa vào dân, lấy dân làm gốc, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, nhân dân khu vực biên giới đã hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chấp hành đúng quy định của pháp luật, tạo chuyển biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân về ý thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; giữ gìn thuần phong mỹ tục, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Theo đánh giá Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Trương Huy Huân, ông Nguyễn Duy Sụn, Phó Giám đốc Sở là một cán bộ công tác lâu năm trong ngành, được phân công lãnh đạo, phụ trách mảng công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; hành chính và bổ trợ Tư pháp, trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Phó Giám đốc Nguyễn Duy Sụn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Với những nỗ lực, đóng góp không ngừng nghỉ, năm 2023 Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Nguyễn Duy Sụn đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bằng khen của Tỉnh ủy Hà Giang, Huy hiệu vì sự nghiệp Hà Giang phát triển của Tỉnh uỷ Hà Giang... Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018 – 2022: 5 năm liên tục ông đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở và 5 năm liền đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 4 năm liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2018 - 2019 và 2020 - 2021)...

Mặc dù nhận được nhiều phần thưởng cao quý, nhưng Phó Giám đốc Nguyễn Duy Sụn luôn cho rằng, các thành tích có được như ngày nay là công sức đóng góp của một tập thể biết đoàn kết, sáng tạo, biết hy sinh những lợi ích cá nhân để đem pháp luật đến với đồng bào nơi địa đầu của Tổ quốc.

Đọc thêm