Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm và làm việc với Cảng Quốc tế Long An

(PLVN) - Thăm và làm việc với Cảng Quốc tế Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh, Cảng Quốc tế Long An hoàn thành và đi vào hoạt động không chỉ có giá trị về giao thương, vận chuyển hàng hóa, cảng là một trong những điểm đến hấp dẫn, nhất là du lịch tàu biển…
Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn

Sáng nay, 28/01, tức mùng 4 Tết, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn, UVBCH TW Đảng - Bộ Trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH TW Đảng - Tổng Thanh tra Chính phủ - Lê Minh Khái, Thượng tướng Trần Đơn - Ủy viên TW Đảng - Ủy viên Thường vụ Quân ủy TW - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng đã đến thăm và làm việc với Cảng Quốc tế Long An tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc. 

Tham dự cùng với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần.

Đoàn công tác khảo sát tiến độ Cảng Quốc tế Long An 

Tiền đề cho bước phát triển mới

Cảng Quốc tế Long An (nằm bên phải thượng nguồn sông Đồng Nai) là 1 dự án nằm trong quần thể gồm 04 khu dự án với tổng quy mô 1.935 ha, bao gồm: Cảng Quốc tế Long An; Khu Công nghiệp (KCN) Đông Nam Á Long An; Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An; Khu đô thị Đông Nam Á LongAn;

Trong đó Cảng Long An là 147 ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là: 1.670m; Gồm 07 bến sà lan; Hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; Hệ thống Bãi container và các công trình phụ trợ khác. Tất cả hạng mục đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023.

Cảng Quốc tế Long An tấp nập làm hàng những ngày đầu năm 2020 

Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại Cảng là 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ, tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa. 

Tỉnh Long An đã đầu tư xây dựng trục tỉnh lộ 830 kết nối từ Cảng Quốc tế Long An đến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh; 

Thêm vào đó là dự án cao tốc Bến Lức Long Thành (thuộc cao tốc Bắc - Nam) thông xe vào cuối năm 2020, nối 4,89 km đường cao tốc đi qua tỉnh Long An ở hai huyện Bến Lức và Cần Giuộc, 24,92 km đi qua TP HCM ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ và 27,28 km đi qua tỉnh Đồng Nai ở hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP HCM, tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành. 

Đồng thời, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Bên cạnh đó, đường cao tốc sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng từ Bangkok qua Phnom Penh, TP HCM - Vũng Tàu. 

Có thể nói, Cảng Long An như là trung tâm của ĐBSCL kết nối quốc tế.

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho biết, Cảng quốc tế Long An với khu liên hợp bao gồm đô thị, dịch vụ cảng biển cùng các tiện ích đáp ứng nhu cầu trọn gói cho các doanh nghiệp đến đầu tư. 

Đến nay, đã triển khai xây dựng 3 cầu cảng với chiều dài hơn 600m. Vào tháng 3 năm 2020 sẽ tiếp tục xây dựng cầu cảng số 3 và trong năm 2021 tiếp tục triển khai xây dựng cầu cảng số 7 - đón tàu có trọng tải trên 70.000 DWT...

Khát vọng trở thành trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho Khu vực ĐBSCL

Năm 2020, được kỳ vọng là năm phát triển vượt bậc của Cảng Quốc Tế Long An, khẳng định vai trò, vị thế một Cảng Quốc tế, một cửa ngõ thông thương quan trọng của Tỉnh Long An nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Cảng Quốc tế Long An tấp nập làm hàng 

Năm 2019 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác Cảng Quốc tế Long An. Với dấu mốc đón gần 1.000 con tàu trong và ngoài nước ra vào Cảng, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng và đáng chú ý nhất là Cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT. Cảng Quốc tế Long An được kỳ vọng trở thành trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho cả vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại chuyến thăm và làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đề nghị, bên cạnh các dịch vụ cảng đơn thuần, Cảng Quốc tế Long An cần quan tâm đầu tư cung cấp các dịch vụ trọn gói Logistics mang đến những giá trị gia tăng cho khách hàng.

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý trong thời gian tới, tỉnh Long An phát triển đầu tư cần làm tốt công tác quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Cảng Quốc tế Long An hoàn thành và đi vào hoạt động không chỉ có giá trị về giao thương, vận chuyển hàng hóa, cảng là một trong những điểm đến hấp dẫn, nhất là du lịch tàu biển.

Ủy viên bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với Cảng quốc tế Long An

Sự phát triển của Cảng Quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy phát triển các Khu/Cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế tỉnh Long An, đồng thời giảm ách tắt giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải cho các Doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An, khu vực ĐBSCL, hứa hẹn đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của cả vùng ĐBSCL.

Một góc Cảng Quốc tế Long An nhìn từ trên cao 

Đọc thêm