Trại cá tầm Việt – Đức được tỉnh Hòa Bình cấp 30 ha mặt nước với 50 lồng cá. Theo chủ trang trại, trứng cá tầm được chuyển về từ Đức, sau đó ấp và nuôi thành con giống ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Đà Lạt (Lâm Đồng) trước khi đem đến nuôi ở trang trại Hòa Bình. Cá được nuôi ở nguồn nước sạch tự nhiên, không dùng chất tăng trọng, thức ăn được nhập khẩu từ châu Âu.
Khi đến thăm trang trại, Phó Thủ tướng Uzbekistan tỏ vẻ thích thú, đánh giá cao mô hình nuôi cá sạch từ trang trại đến nhà hàng của ông Nguyễn Trọng Cử, coi đây là mô hình đáng được Uzbekistan quan tâm, học hỏi. Phó Thủ tướng Uzbekistan chia sẻ, đất nước của ông có khí hậu lục địa, một mùa nóng một mùa lạnh nhưng lại chưa nuôi được cá tầm.
Ông Cử và đại diện doanh nghiệp Uzbekistan ký kết biên bản hợp tác nuôi cá tầm giữa hai quốc gia |
Chủ trang trại Nguyễn Trọng Cử chia sẻ nhiều kinh nghiệm nuôi cá tầm với Phó Thủ tướng Uzbekistan, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Uzbekistan muốn nuôi cá tầm, cá hồi. Trong chuyến thăm, ông Cử và đại diện doanh nghiệp Uzbekistan đã ký kết biên bản hợp tác nuôi cá tầm giữa hai quốc gia.
Ông Cử là luật gia - Việt kiều Đức. Ông đầu tư vào lĩnh vực thủy sản nước lạnh khoảng 6 năm nay; hiện có 6 trang trại cá tầm, cá hồi ở Sa Pa, Tam Đảo, Lâm Đồng, và Hòa Bình. Mỗi năm, hệ thống trang trại ông Cử sản xuất khoảng 4 -5 triệu con cá giống; tổng sản lượng thương phẩm cá tầm, cá hồi đạt 100 tấn. Giá cá hồi khoảng 250.000 VNĐ/kg, cá tầm khoảng 170.000 VND/kg.
Ông Cử là người chủ xướng mô hình “Cá tầm, cá hồi sạch từ trại nuôi đến bàn ăn” và Nhà hàng Thác Bạc ở 44 Nguyễn Thị Định – Hà Nội và khu du lịch Thác Bạc Sapa là nơi giới thiệu sản phẩm cá sạch của ông.