Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Bao giờ cả nước hết dịch thì mới hết trực chiến"

(PLVN) - Chiều qua (17/9), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế về tình hình phòng, chống dịch tại tỉnh Đồng Tháp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khu ký túc xá phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. (ảnh: baodongthap.vn)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khu ký túc xá phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. (ảnh: baodongthap.vn)

Kiểm soát chặt người từ địa phương khác về

Sau khi nghe báo cáo của tỉnh, Phó Thủ tướng nhận định số ca mắc COVID-19 tại Đồng Tháp đã giảm dần cả tại khu cách ly, phong tỏa, đặc biệt là số ca cộng đồng. Những nơi giãn cách chưa nghiêm cần chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng lưu ý dựa trên nguyên tắc của Bộ Y tế, Đồng Tháp có thể áp dụng căn cứ vào thực tiễn trên tinh thần hiệu quả, kiểm soát tốt nhất.

Tỷ lệ tử vong tại Đồng Tháp hiện khoảng 2,5%, trên 80% trường hợp tử vong là người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền. Ban đầu, tỉnh gặp tình trạng thiếu thuốc, oxy. Tuy nhiên đến nay, tình hình được cải thiện, công suất giường hiện còn trống nhiều. Phó Thủ tướng yêu cầu Đồng Tháp cố gắng giảm số ca nhiễm càng sâu càng tốt.

Với thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 hơn 2 tháng 10 ngày của Đồng Tháp, Phó Thủ tướng nhận định là tương đối lâu. Lực lượng tuyến đầu, doanh nghiệp, nhân dân đều rất căng thẳng. Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng, ông đề nghị tỉnh tranh thủ thời gian giãn cách để xét nghiệm, không để dịch kéo dài.

Tỉnh cần xử lý các điểm còn "hở". Cụ thể là kiểm soát chặt người từ địa phương khác về, gắn với trách nhiệm của công an địa phương. Người dân từ nơi khác về phải khai báo. Đồng Tháp cũng cần tránh để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Hiện tỉnh có hơn 80 khu phong tỏa, con số này không quá lớn. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh sáng tạo hơn, giữ tinh thần phong tỏa hẹp.

Đối với các khu an toàn, tỉnh cần mở từng bước an toàn, chắc chắn. "Mở ra ồ ạt để lây nhiễm trong cộng đồng thì không chấp nhận được. Nhưng nếu an toàn rồi mà không mạnh dạn mở cửa là sự lãng phí nguồn lực", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng lưu ý Đồng Tháp phải luôn sẵn sàng trong tình trạng "trực chiến" bởi dịch có thể quay lại, đặc biệt với các địa phương có giao thương với TP HCM. Nếu có dịch, điều quan trọng là phát hiện nhanh, khoanh vùng, dập dịch, không để dây dưa kéo dài. Nếu dập từ ban đầu, dịch sẽ không lây lan.

"Bao giờ cả nước hết dịch thì mới hết trực chiến", Phó Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu các lực lượng của tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tuyên truyền cho người dân thực hiện 5K, tầm soát các khu vực nguy cơ như bến xe, chợ, khu dân cư...

"Sẵn sàng để chuẩn bị chung sống"

Thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng sống chung với COVID-19, trong đó có vaccine, oxy, kit xét nghiệm... "Dịch sẽ không biến mất ngay. Chúng ta có vaccine tiêm, có thể vẫn nhiễm nhưng tỷ lệ tử vong sẽ giảm; có thuốc, có oxy, xét nghiệm... Chúng ta sẵn sàng để chuẩn bị chung sống", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế ghi nhận yêu cầu của tỉnh. Theo đó, nếu địa phương cứ bám theo Quyết định 3979 về tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế thì không đạt. Do đó, Bộ cần phân biệt các nhóm tỉnh với nhau.

Phó Thủ tướng gợi ý chia làm 4 nhóm: Nhóm rất nặng (TP.HCM, Bình Dương, Long An); các tỉnh miền Tây; các tỉnh đã nhiễm nhưng cơ bản còn sạch (chủ yếu phía Bắc); nhóm cuối cùng là Cao Bằng, tỉnh chưa từng có ca nhiễm.

Phó Thủ tướng đề nghị cần xem xét lại các nhóm để có tiêu chí khác nhau. Quyết định 2686 về phân vùng nguy cơ được xây dựng khi Việt Nam còn sạch nên phù hợp với nhóm thứ 3. Còn với nhóm 1, 2 thì quyết định không còn phù hợp.

"Ví dụ Quyết định 2686 quy định một xã có bao nhiêu ca bệnh thành đỏ, một quận có bao nhiêu ca bệnh thành đỏ. Nếu cứ áp theo cái đó thì đỏ hết. Mà nếu đã đỏ, nguy cơ rất cao thì phải theo Chỉ thị 16, “ai ở đâu ở yên đấy”", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để thay đổi, cập nhật theo tình hình dựa trên tiếp thu ý kiến của các địa phương.

Về xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng cần phân biệt giữa vùng nguy cơ theo địa giới hành chính (quy định trong Quyết định 2686) với vùng nguy cơ cao và rất cao để xét nghiệm.

Theo đó, vùng nguy cơ cao, rất cao phải theo điều tra dịch tễ, cố gắng phong tỏa theo vùng hẹp nhất để xét nghiệm thần tốc, "chà đi xát lại" thật nhiều lần và làm nhanh trên quy mô nhỏ.

Hôm qua (17/9), tại cuộc gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, dù có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng chúng ta không thể loại hẳn Covid-19 ra khỏi cộng đồng, ít nhất trong thời điểm này và một thời gian nữa. Các chuyên gia cũng đánh giá, những điều kiện chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch của TP HCM đến giờ này tương đối đảm bảo như: Mở rộng độ bao phủ vaccine, có thuốc điều kháng virus, chăm lo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận chăm sóc y tế…

Các chuyên gia y tế và kinh tế đều đánh giá, sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn và nền kinh tế bị tổn thương nhiều, cần được sớm phục hồi. Với nhìn nhận như vậy, các chuyên gia đề nghị TP HCM từng bước phải mở dần, trên cơ sở đảm bảo an toàn, tuyệt đối không chủ quan. Ông Nên cho rằng, đã đến lúc cần thống nhất điều này.

Ông Nên nhấn mạnh, cần chuẩn bị chiến lược để TP HCM chuyển sang giai đoạn bình thường mới – sống trong môi trường có Covid-19. Do đó, cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, tinh thần và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó phù hợp với môi trường sống có Covid-19.

Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, hiện nay, TP HCM đang chuẩn bị kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, với 13-14 chiến lược, trụ cột nhất là chiến lược về y tế. Chuẩn bị cho điều kiện bình thường mới, TP củng cố hệ thống y tế từ cơ sở đến TP; phát huy nguồn lực cả hệ thống y tế dự phòng, y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc… để hình thành mạng lưới y tế đủ sức chăm lo cho dân.

Trong chiến lược về mặt y tế, phải có quy định rõ ràng khi phát hiện F0 ở cộng đồng thì ứng phó thế nào. Nếu như trước đây, khi phát hiện F0 thì đóng cửa; giờ đây, trong điều kiện bình thường mới, nếu phát hiện ca mắc thì phải “sống chung” như thế nào? Về điều này, TP đang tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.

Cùng với đó, TP có chiến lược về an sinh, quan tâm đến an sinh xã hội, nhà ở xã hội và các vấn đề để người dân có điều kiện sống tốt hơn. “TP làm được một số kết quả nhưng không chủ quan và rất cần sự chung sức đồng lòng của các nhà khoa học, tiếp tục giúp TP khôi phục từng bước chắc chắn và phát triển trở lại, làm tròn sứ mệnh của TP với nhân dân, với đất nước”, ông Nên nhấn mạnh.

Đọc thêm