Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ ngành thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát

(PLO) -Tăng 1,34% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là sát với kịch bản dự báo và trong tầm kiểm soát của Chính phủ, tuy nhiên, theo nhận định tại  cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá hôm 27/3 vừa qua, 9 tháng còn lại vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực tăng giá ...
Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung;

Những rủi ro này chủ yếu đến từ yếu tố thị trường như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính trên thị trường thế giới, gắn với đó là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN...).

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; Chú trọng kiểm soát cung tiền và tiếp tục áp dụng các biện pháp để trung hòa nguồn ngoại tệ thu được từ nguồn đầu tư nước ngoài; Kiểm soát tổng mức tín dụng cả về cơ cấu và chất lượng tín dụng; Tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản trong mức 1,6-1,8%.

Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tưởng yêu cầu Bộ NN&PTNT theo dõi sát diễn biến giá thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường; nghiên cứu tổ chức lại thị trường trong nước, tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cho các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm ổn định thị trường, đảm bảo đời sống của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở điều chỉnh mức giá nhóm dịch vụ thủy lợi khác để triển khai Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh đến chỉ số giá tiêu dùng để chủ động trong điều hành chung.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung; công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật theo chỉ đạo tại công văn  439/VPCP-KTTH ngày 1/1/2018 của Văn phòng Chính phủ; tăng cường công tác kiểm tra giá, quản lý chất lượng, tránh gian lận.

Bộ Công Thương rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tránh tạo kỳ vọng về lạm phát. 

Đối với giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện quản lý theo quy định tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP, Thông tư  08/2017/TT-BCT, trong đó chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh và Sở ngành chức năng triển khai tiếp nhận và giám sát kê khai giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi tại khâu bán lẻ.

Đối với dịch vụ y tế,  Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê xây dựng kịch bản riêng về điều hành giá, trong đó chú trọng đến việc điều chỉnh tiền lương cơ sở và kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với thực tế phát sinh và lộ trình quy định, đồng thời bảo đảm cân đối quỹ BHYT và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường và mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với mục tiêu tiếp tục kéo giá thuốc giảm từ 10-15% trong năm 2018. Nghiên cứu áp dụng đấu thầu tập trung đối với vật tư y tế và mở rộng ra kênh đấu thầu khác ngoài kênh của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế.

Đối với giiá dịch vụ giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ TB&XH  phối hợp với UBND tỉnh, TP trực thuộc TW đánh giá thực trạng mức thu học phí hiện nay, xác định tỷ lệ đã thực hiện so với khung, mức trần quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP; Nghiên cứu cơ chế điều hành, chủ động nắm bắt thông tin, đăng ký lộ trình tăng giá, phân bổ và kiểm soát mức độ, thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cho phù hợp.

Về giá vật liệu xây dựng và bất động sản, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá, đặc biệt chú trọng quản lý giá thép, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao; phối hợp với Bộ TN&MTcó báo cáo tổng thể về thực trạng, phương án quản lý các công trình khách sạn căn hộ (condotel) đảm bảo tính bền vững của thị trường bất động sản.

Về giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT,  Bộ GTVT tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn. Sớm triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và tiếp tục rà soát các chi phí liên quan đến vận hành và khai thác các dự án BOT này. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành có trách nhiệm rà soát các văn bản QPPLthuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành để điều chỉnh hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định; Đồng thời tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước trong công tác dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường để đề xuất kịch bản chi tiết đối với các mặt hàng thiết yếu do tác động từ việc điều chỉnh giá hoặc do yếu tố thị trường tới tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân bảo đảm kiểm soát lạm phát năm 2018 theo chỉ tiêu đề ra. 

Đọc thêm