Pho tượng “long bào đen” hơn 200 tuổi và trò chơi dân gian được thế giới tôn vinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) được nhiều người biết tới khi có pho tượng Trấn Vũ - nặng hơn 4 tấn được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia và trò chơi dân gian kéo co ngồi được thế giới tôn vinh.
Đền Trấn Vũ
Đền Trấn Vũ

Một tác phẩm nghệ thuật tâm linh tinh xảo

Theo tục truyền, Đức Thánh Trấn Vũ là một linh hồn của Ngọc Hoàng Thượng Đế hóa thân xuống trần tu đạo Phật để tái phục kiếp tiền sinh. Ngài có công diệt trừ tà ma, tu theo đạo Phật và đắc đạo. Sau đó, ngài được Ngọc Hoàng phong làm “Vạn pháp giáo chủ” đẳng ma thiên tôn, cai quản ban huyền đàn đại tướng, hữu ban quan thánh đế quân 36 viên thiên tướng. Đồng thời, ngài được ban ấn “Ngọc hư sư tướng - kim khuyết hóa thân” và kiếm tam thai thất linh cùng 500 viên hoa đen để hàng phục yêu quái dưới trần gian và có biệt tài “hô phong hoán vũ”. Hàng năm, vào đúng ngày 9/9 và ngày 25 tháng chạp, ngài cùng các bộ tướng xuống hạ giới kiểm soát dân chúng xét việc thiện, ác phân xử công minh, phù hộ người dân mùa màng tốt tươi. Ngài được suy tôn là “Hộ quốc tí dân”, công đức vô cùng to lớn. Từ xa xưa, làng quê xây dựng đền Trấn Vũ thờ phụng ở đất linh có quy xà hội tụ.

Nơi đây, lưu giữ được một di sản văn hóa vô cùng quý báu, đó là pho tượng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là một bức tượng mang phong thái của một vị đạo sĩ với hai chân buông xuống dưới; tay trái bắt ấn, co ngang rồi khép trước ngực; tay phải tỳ trên đốc kiếm cắm xuống lưng rùa. Quấn quanh kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao xuống. Tượng có đầu để trần, mặt tròn, mắt mở to, nhìn thẳng, mày rậm, mũi to, cằm tròn, miệng khép, môi dày, có ria mép, tai to, tỏa ra dáng dấp uy nghiêm, mình mặc áo giáp, trên áo điểm xuyết một số dạng hoa văn như hổ phù - được cách điệu dưới dạng hoa lá ở đầu gối; hoa văn tổ ong nổi ở cánh bắp tay, hoa lá thiêng ở diềm áo, rồi long mã ở trước ngực. Tượng mang phong thái hiền hòa, gần gũi với tinh thần tạo tượng dân gian của người Việt…

Pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ niên đại hơn 200 năm là Bảo vật quốc gia.

Pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ niên đại hơn 200 năm là Bảo vật quốc gia.

Theo các tài liệu Hán - Nôm còn lưu lại tại di tích thì pho tượng Đức Thánh Trấn Vũ có từ rất lâu. Bia “Trấn Vũ Điện bi ký” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên 1820 ghi: “Khi Lê Thánh Tông (1460-1496) đem quân đánh Chiêm Thành, ông đã dừng chân, nghỉ lại ở địa phận xã Cự Linh, được thần Trấn Vũ ứng mộng, Vua cảm thấy xúc động, liền sai dân lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi “Hiển Linh Trấn Vũ quán”. Vua lại gia ân, ban cho dân làng sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa cho đền. Đến năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng 1747, dân làng đã đúc tượng đồng thay thế tượng gỗ. Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô của đền. Do đó, đến năm Mậu Thân 1788, nhân dân sở tại đã hưng công đúc tại tượng Trấn Vũ, năm Nhâm Tuấn 1802 thì hoàn thành.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ nặng 4 tấn, cao 3,96m, là một trong những bức tượng nguyên khối lớn nhất Việt Nam. Kỹ thuật đúc tượng đồng của ông cha từ hơn 200 năm trước đã đạt đến trình độ tinh xảo, đã để lại tác phẩm nghệ thuật tâm linh tuyệt vời để người đời chiêm bái. Trong văn hóa phương Đông, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thánh cai quản phương Bắc. Từ xa xưa, người Việt đã có tục thờ Trấn Vũ. Làng Ngọc Trì (nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên) là một trong những địa danh thờ ngài. Tượng này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay”.

Ngày 9/4/2016, lễ đón nhận Quyết định công nhận pho tượng Trấn Vũ - nặng hơn 4 tấn được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia được diễn ra tại đền Trấn Vũ do phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) tổ chức.

Lễ hội với trò chơi dân gian có một không hai

Lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm, mang bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ảnh khát vọng có cuộc sống an bình. Nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ là một nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có một không hai, được diễn ra vào dịp lễ hội.

Theo truyền thuyết mà cha ông ở làng từ đời trước truyền lại cho đời sau, xưa kia làng Ngọc Trì (nay là Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng phân đều trên ba xóm (hay còn gọi là mạn): mạn Đường, mạn Chợ và mạn Địa. Trong đó, có đến 11 cái giếng đã cạn hết nước. Chỉ còn một cái duy nhất (nằm trên mạn Địa) vẫn còn nước. Thanh niên trai tráng ở mạn Đường và mạn Chợ xuống xin mạn Địa nước nhưng người mạn Địa không cho nên đã xảy ra giằng co nhau. Khi ấy người ta dùng quang mây và nồi đất để gánh nước. Vì sợ đổ nước nên hai bên đã ngồi xuống để kéo giữ nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa và mọi việc đều tốt lành.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co ngồi được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co ngồi được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể

đại diện của nhân loại.

Tiêu chuẩn để tuyển chọn người kéo là gia đình phải nền nếp, gia giáo, có 5 đời sinh sống ở làng trở lên. Ngọc Trì có ba mạn là Đường, Đìa, Chợ. Mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện.

Trước khi thực hành kéo co, các mạn chuẩn bị lễ vật là mâm xôi, thủ lợn, hoa quả và tập trung trước sân đền lễ Thánh. Tiếp đó, các mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm và đại diện ba đội lên nâng cây song (dùng để kéo co) ba lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo.

Mỗi đội kéo co từ 15, 17 hoặc 19 người tùy theo từng năm và có một Tổng cờ. Trai kéo co cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ in tên từng mạn. Khác với hội thi kéo co bình thường, vật sử dụng để kéo trong hội thi là cây song to và nhẵn dài khoảng 50m, được kéo qua một lỗ nhỏ trên cột trụ.

Ba đội trưởng của ba mạn tiến hành nghi lễ nâng bó song mây (một loại cây dẻo dai và chắc chắn) được dùng để làm dây kéo co. Hàng chục thanh niên ngồi qua một cây song dài từ 50m, đường kính 5cm, mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng 3 hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai tổng phất cờ hô: “í a, kéo” và các đội bắt đầu kéo cột trụ thường là gỗ lim to như cột đình, được chôn sâu dưới đất để làm điểm tựa. Trên thân cột được đục một lỗ tròn ngang đầu gối người lớn để luồn dây song. Những người ngồi đầu mỗi đội chơi thường lấy chân đạp vào cột để tăng sức kéo.

Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ cả dân làng, trai tráng khoẻ mạnh nhanh tay ra sức kéo cây song. Khi đó trai tráng trong làng tham gia kéo co sẽ trong tư thế ngồi chân co chân duỗi. Trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của song. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai Tổng phất cờ hô “í a, kéo”. Tổng cờ chạy lên chạy xuống, quệt lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các trai kéo của phe mình vừa để làm hiệu khi nào kéo, khi nào nghỉ, vừa để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đội kéo.

Trước sự độc đáo đó, năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đầu tháng 4/2022, tại Di tích quốc gia đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội), Hội thảo khoa học “Về giá trị văn hóa - lịch sử cụm di tích đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh” nhằm phát huy giá trị Bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ và di sản thế giới kéo co ngồi.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… Tại Hội thảo khoa học, thông qua tham luận, các nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa - lịch sử của khu di tích; bên cạnh đó nêu các ý kiến làm cơ sở khoa học, định hướng cho việc tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh giai đoạn 2020 - 2025 theo nguyện vọng của cộng đồng người dân nơi đây.

Sau hội thảo, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định phương án tu bổ, tôn tạo đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh, nhằm sớm đề xuất để Hội đồng nhân dân quận Long Biên thông qua và quyết định tu bổ, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị - lịch sử quần thể di tích, hướng tới xây dựng khu di tích tín ngưỡng văn hóa tâm linh đặc sắc vùng ven kinh đô Thăng Long Hà Nội, gắn với phát triển du lịch.