Tham dự Hội nghị có quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị hai cơ quan.
Bảo đảm quyền lợi các tổ chức tín dụng
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn nêu rõ, công tác THADS liên quan đến án tín dụng, ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Tổng cục THADS. Từ khi ký kết quy chế, thành lập Tổ xử lý nợ xấu, kết quả tổ chức thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Công tác phối hợp giữa Tổng cục THADS (Tổ xử lý nợ xấu) với Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội sở chính; các cơ quan THADS với các tổ chức tín dụng cũng ngày càng chặt chẽ, đạt hiệu quả, đa dạng hơn và có nhiều đổi mới nhất là việc trao đổi thông tin, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh; trong đó đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ, đồng thời, có văn bản đề nghị Tổng cục THADS giải quyết vướng mắc cho các Hội sở.
Việc ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng đã tạo nhiều thuận lợi, bảo đảm cho quyền lợi của các tổ chức tín dụng; nâng cao hơn ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Thủ trưởng các cơ quan THADS đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, từ đó chỉ đạo Chấp hành viên tổ chức thi hành án kịp thời, đúng quy định pháp luật; kịp thời báo cáo, xin ý kiến các vụ việc có khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được các đại biểu nêu lên. Liên quan đến việc xử lý thu hồi nợ xấu, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết công tác định giá tài sản thi hành án còn nhiều khó khăn. Khi xử lý tranh chấp đến giai đoạn cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản thì hầu hết các bên không còn thỏa thuận với nhau nên phần lớn việc định giá do Chấp hành viên chỉ định. Tuy nhiên, giới hạn tổ chức thẩm định giá phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố ảnh hưởng đến tính khách quan của việc xác định giá bán tài sản.
Ngân hàng khó khăn: Sẽ hỗ trợ kịp thời
Phó Cục trưởng Cục THADS TP HCM Võ Huy Hoàng cho biết, tính đến tháng 4/2018, TP HCM có tám vụ việc thi hành án phát mãi tài sản thu hồi nợ cho Ngân hàng nhưng vướng mắc chưa giải quyết được vì liên quan đến việc chưa nộp được các khoản tiền thuế để làm thủ tục cho người mua trúng đấu giá. Ngân hàng không đồng ý cho cơ quan THADS trích từ tiền bán tài sản bảo đảm để nộp thuế thu nhập cá nhân và các loại phí cho chủ tài sản cũ, dẫn đến việc người mua được tài sản không thể thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng và làm thủ tục sang tên đối với quyền sử dụng đất trúng đấu giá. Vì vậy, nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao được tài sản nhưng người mua trúng đấu giá đang khiếu nại gay gắt do không làm được thủ tục sang tên.
Theo Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Trần Quốc Thái, nguyên nhân chính dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn hầu hết đều liên quan đến tài sản thế chấp như: Tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng với thực tế tài sản, giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế của tài sản. Ngoài ra, công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng và các cơ quan hữu quan còn chưa hiệu quả, gây khó khăn, kéo dài thời gian thi hành án. Nhiều vụ việc sau hai lần giảm giá, bán đấu giá không có người mua nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng là người được thi hành án không nhận tài sản bảo đảm để trừ vào số tiền được thi hành án.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết sẽ cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có những giải pháp hiệu quả cho việc xử lý nợ xấu liên quan tới công tác THADS. Đồng thời ông cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể đối với các vấn đề phát sinh mà các đại biểu đã đề cập.
Phó Thống đốc mong rằng Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thi hành hiệu quả các bản án, quyết định liên quan đến tín dụng, ngân hàng, kịp thời xử lý các phát sinh để hỗ trợ ngân hàng trong lĩnh vực này. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan THADS, chủ động thông tin để hai bên nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh.
Nhận định việc triển khai áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng và cơ quan THADS, song Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng tỏ ra quan ngại khi số tiền và việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng vẫn tăng qua các năm. Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại như công tác phối hợp giữa cơ quan THADS các cấp và tổ chức tín dụng ngân hàng đôi lúc còn chưa chặt chẽ, chưa chủ động cung cấp thông tin, chậm chuyển giao giấy tờ liên quan đến tài sản, chưa có cơ chế xử lý tài sản khi bán nhiều lần không có người mua, thiếu linh hoạt khi cưỡng chế nhà là tài sản duy nhất của người phải thi hành án…
Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục THADS cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan THADS phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng kịp thời phản ánh các khó khăn để cơ quan THADS có biện pháp chấn chỉnh, hỗ trợ xử lý, thu hồi nợ một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, hai bên cũng cần tăng cường công tác truyền thông về Nghị quyết số 42/2017/QH14 để hạn chế phát sinh các khiếu kiện.